Năng lượng tái tạo: Biến những khó khăn thành lợi thế

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 18 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.180 MW chính thức đưa vào vận hành thương mại.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải toả công suất, nhưng bằng chính tác động tích cực lên mọi mặt của đời sống và kinh tế ở địa phương, những dự án này đã góp phần biến những vùng đất hoang hoá, không có giá trị sản xuất trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2019) phóng viên NTO gửi đến quý độc giả những hình ảnh của một số dự án năng lượng tái tạo được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Nếu như trước đây, xã Phước Minh và Phước Ninh (Thuận Nam) là 2 địa phương có phần lớn đất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Thì nay, những vùng đất hoang hoá này đã đươc lấp đầy bởi hơn 1 triệu tấm pin quang điện thuộc Cụm 3 Nhà máy Điện mặt trời BIM. Chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4-2019, với tổng công suất 330 MWp, cụm 3 nhà máy này sẽ cung cấp sản lượng điện khoảng 600 triệu kwh/năm cho lưới điện Quốc gia. Tính đến thời điểm này đây là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.

1 góc Cụm 3 Nhà máy Điện mặt trời BIM.

Tại huyện Thuận Bắc vào ngày 27-4-2019 tập đoàn Trung Nam đã tổ chức Lễ khánh thành chính thức đưa vào vận hành giai đoạn 1 tổ hợp năng lượng tái tạo với công suất 244 MW. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Khi đi vào hoạt động tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Thuận Bắc phát triển vượt bậc.

Khu vực lòng hồ Bầu Ngứ (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và xã Phước Dinh, Phước Nam, huyện Thuận Nam) nơi có địa hình đặc thù phức tạp, rất khó để triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, với quyết tâm của các cấp chính quyền và chủ đầu tư, tháng 6 năm 2019 nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ đã chính thức đi vào hoạt động. Với quy mô công suất 50MW, nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện gần 100 triệu KWh/ năm.

Cánh đồng điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam).

Nhà máy Điện gió Mũi Dinh được xây dựng tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) với tổng công suất 37,6 MW. Ngày 10-4-2019 nhà máy đã chính thức đưa vào vận hành, mỗi năm cung cấp sản lượng điện trên 100 triệu Kwh vào lưới điện quốc gia. Với vị trí nằm dọc trên tuyến đường ven biển phía Nam của Ninh Thuận, 16 tua bin của cánh đồng điện gió Mũi Dinh còn góp phần xây dựng một hình ảnh mới cho Ninh Thuận trong lĩnh vực du lịch.

Theo đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong 2 năm vừa qua, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được tỉnh ta triển khai một cách đồng bộ và đã thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư có năng lực thật sự. Tác động của các dự án này mang tính lan toả rất lớn đến kinh tế - xã hội và sự phát triển của tỉnh. Với gần 2000 MW được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến đến cuối năm 2019 hơn 1100MW điện mặt trời và 150MW điện gió sẽ đưa vào hoạt động, Ninh Thuận đang thật sự trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.