Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh: “Điểm tựa” của người yếu thế

Với nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng yếu thế, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm Trung tâm vào một ngày cuối tháng 8, khi “các mẹ” đang tranh thủ bao từng quyển sách, viết từng nhãn vở, là phẳng từng bộ quần áo, ôn lại kiến thức…giúp các em tự tin bước vào năm học mới. Những công việc hằng ngày của nhân viên tại Trung tâm không khác gì việc của một người mẹ lo cho các con mình. Từ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các chị nhẹ nhàng dạy dỗ, uốn nắn giúp các em hoàn thiện mình hơn. Với mỗi cán bộ nơi đây, việc chăm sóc các đối tượng còn toát lên bằng cả tình yêu thương và trách nhiệm. Hơn 3 năm đảm nhận công việc trực tiếp quản lý 46 trẻ, chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ: Các em đến đây có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân. Do vậy, công việc khá vất vả nhưng chị em chúng tôi đều cố gắng chăm lo chu toàn, giúp các em vơi bớt những thiệt thòi của số phận. Nhìn các em khôn lớn mỗi ngày là niềm hạnh phúc, là niềm vui của chị em chúng tôi. 

Chị Nguyễn Thị Dung đang tận tình dạy học cho các em. Ảnh: M.Dung

Hiện Trung tâm có 46 trẻ, các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, đang trong giai đoạn phát triển về thể lực và tâm lý nên việc quản lý, chăm sóc cần sự khéo léo. Để có thể hiểu, giúp đỡ các em, các nhân viên Trung tâm thường xuyên dành thời gian tâm sự những vấn đề trong cuộc sống, từ đó kịp thời uốn nắn, khuyên bảo; từng bước tạo niềm tin giúp các em dễ dàng gắn bó, sẻ chia. Cùng với việc chăm sóc cho các em, Trung tâm còn tích cực phối hợp với các nhóm từ thiện tổ chức ôn tập kiến thức trong dịp hè; rèn luyện kỹ năng sống, tham gia nhiều hoạt động dã ngoại, vui chơi giải trí…Nhờ vậy, hầu hết các em đều phát triển tốt, ngoan, lễ phép, nhiều em đạt kết quả cao trong học tập. Tiêu biểu, trong đợt thi THPT quốc gia vừa qua, Trung tâm có 3 em trúng tuyển vào ngành Luật của Trường Đại học Đà Lạt, 1 em là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai.

Đến thăm khu ở của người già, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Những mái đầu bạc cùng các nhân viên quây quần trong căn phòng như một gia đình lớn. Những câu chuyện vui đùa diễn ra giữa những người già đồng cảnh ngộ, giữa đối tượng với nhân viên, thi thoảng lại rộ lên tiếng cười. Nơi đây, tình người trở nên gắn bó lạ thường. Vừa được tiếp nhận tháng 5-2019, cụ Nguyễn Thị Lầm chia sẻ: Ở tuổi xế chiều, tôi mới cảm nhận được hơi ấm của tình thân. Ở đây, tôi được nhân viên quan tâm, chăm sóc hằng ngày; được bầu bạn với các cụ có cùng hoàn cảnh, đây như mái nhà tôi sẽ gắn bó đến cuối đời. Nhìn các nhân viên chăm sóc các đối tượng, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào nỗi vất vả của họ. Nhiều đối tượng tàn tật, cao tuổi, mất khả năng lao động nên mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Các cụ ở đây do tuổi cao sức yếu nên đau yếu liên miên. Hằng đêm, các y tá cứ phải thay nhau trông và chăm sóc. Nhiều cụ cũng không còn tỉnh táo, lúc nhớ lúc quên... nhưng bằng lòng thương cảm, cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ đối tượng. Điều duy nhất “níu chân” họ “bám nghề” chính là sự đồng cảm, là tình yêu thương của những người thân với nhau.

Ông Trần Đức Long, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm hiện đang chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 220 đối tượng, bao gồm người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Riêng trong năm 2019, Trung tâm tiếp nhận 16 cụ già và 14 trẻ em bị bỏ rơi. Tất cả trường hợp vào đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và rất đáng thương. Có những trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng, mỗi đêm đều khóc vì khát sữa mẹ. Hay những cụ già bị con cháu ruồng rẫy lúc tuổi xế chiều. Thấu hiểu những thiệt thòi của các đối tượng, Trung tâm luôn xác định việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà đó còn là sự cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Để giúp các đối tượng nâng cao đời sống tinh thần, thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, lắp một số dụng cụ thể dục giúp các cụ cùng nhau luyện tập hằng ngày; nâng cấp, sửa chữa các dãy nhà ở khang trang hơn…

Tin rằng, với những nỗ lực đầy trách nhiệm và tình thương của cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh-nơi đây mãi là “mái nhà chung” vun đắp tinh thần cho những trẻ em sớm xa rời tình thương ruột thịt, của những cụ ông, cụ bà thiếu thốn tình thân lúc tuổi xế chiều và xoa dịu bệnh tật của những người yếu thế trong xã hội.