Sáng kiến của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hơn 10 năm đảm nhận vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), chị Chamaléa Thị Phụng, thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái) đã có những sáng kiến hay trong quá trình quản lý nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Gặp chị Chamaléa Thị Phụng đúng vào dịp cán bộ NHCSXH huyện Bác Ái làm việc tại UBND xã Phước Đại, ấn tượng đầu tiên về chị đó là sự chuyên nghiệp bởi tất cả các thông tin về hoạt động ủy thác vốn ưu đãi đều được chị nắm rõ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phụng cho biết: Đối với nhiều bà con vùng cao, thiếu vốn sản xuất là một trong những nguyên dân dẫn đến cái khó trong thoát nghèo. Vì vậy, khi đồng vốn của NHCSXH đến với người dân đã phần nào giải quyết được nút thắt này. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của bà con địa phương trong việc chấp hành tốt các quy định khi vay vốn, trả lãi, vốn theo đúng định kỳ hạn thì cần có những cách làm mới.

Chị Chamaléa Thị Phụng trao đổi công việc với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nghĩ đi đôi với làm, nhằm hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của bà con trong quá trình vay vốn tại NHCSXH huyện, chị thường xuyên đến thăm hỏi gia đình của các tổ viên. Qua quá trình khảo sát, thực tế cho thấy hầu hết thành viên tổ gặp khó khăn trong quá trình trả lãi hàng tháng do bà con không có công việc ổn định, nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh. Để giải quyết vấn đề này, chị Phụng đưa ra sáng kiến mô hình “ống heo tiết kiệm” cho các thành viên tổ thực hiện. Theo đó, hằng ngày các tổ viên có trách nhiệm để dành ra một khoảng tiền nhỏ từ 10-50 ngàn đồng tùy thuộc vào khả năng của mỗi gia đình. Khi tròn một tháng, các tổ viên sẽ dùng nguồn quỹ này để trả lãi cũng như gửi tiền tiết kiệm cho Tổ TK&VV. Mô hình này được lập lại ở những tháng tiếp theo cho đến khi hộ gia đình trả hết số tiền vay. Theo chị Phụng chia sẻ thì công thức “tích tiểu thành đại” là giải pháp hiệu quả nhằm giúp các thành viên giảm đi gánh nặng khi đột ngột trích một phần thu nhập để trả lãi ngân hàng hàng tháng. Bên cạnh đó, việc này còn giúp bà con có số dư để gửi tiền tiết kiệm vào tổ, từ đó giảm dần số tiền vay vốn. Đến nay, 56/56 tổ viên đều tham gửi tiền tiết kiệm. Hộ gửi nhiều nhất có số dư tiết kiệm là 8 triệu đồng, hộ ít nhất cũng được 2 triệu đồng, nhờ đó mà từ năm 2010 đến nay, trong tổ không có lãi tồn và không có nợ quá hạn.

Hoạt động của tổ TK&VV do chị Phụng quản lý đã không ngừng phát triển về quy mô dư nợ cũng như số lượng thành viên. Năm 2008, từ con số 32 thành viên, nay tăng dần lên 56 thành viên với tổng dự nợ 2,77 tỷ đồng. Một số hộ nhờ được vay vốn ưu đãi đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đơn cử như gia đình chị Chamaléa Thị Điểu, năm 2014, nhờ được chị Phụng hướng dẫn vay vốn từ NHCSXH, chị Điểu mua cặp bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng về chăn nuôi. Thời gian đầu, chị Điểu trồng thêm cỏ và đầu tư thức ăn, sau hai năm thấy được hiệu quả, chị tiếp tục vay mới với hạn mức 30 triệu đồng để nuôi thêm bò. Đến nay, gia đình chị Điểu đã thoát nghèo, có đàn bò 7 con. Bên cạnh đó, nhờ mô hình “ống heo tiết kệm” mà chị Điểu đã trả gần 1/4 số nợ vay từ NHCSXH huyện Bác Ái.

Đồng chí Chamaléa Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Đại cho biết: Nhiều năm liền giữ vai trò Tổ trưởng tổ TK&VV, chị Phụng luôn phát huy hết trách nhiệm của bản thân trong công việc. Đặc biệt, những sáng kiến tâm huyết của chị không những góp phần giúp nguồn vốn của Nhà được bảo toàn mà còn tạo nên cơ hội giúp tổ viên có động lực hơn nữa để phát triển kinh tế.