Thuận Bắc đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người dân

Trong những năm qua, huyện Thuận Bắc luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người dân. Nhờ đó, người lao động có việc làm ổn định, nhiều hộ nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi áp dụng vào thực tiễn để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Trước khi mở lớp đào tạo nghề, địa phương luôn tổ chức khảo sát tình hình thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, yêu cầu thực tiễn của người lao động, những điều nông dân cần. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghề với 157 lao động tham gia, đầy đủ các ngành nghề như: chăn nuôi bò, dê vỗ béo, kỹ thuật trồng măng tây xanh, trồng bưởi da xanh... và đào tạo 2 ngành nghề mới là hàn và may, các học viên tham gia khóa học được đào tạo các kỹ năng cơ bản, tác phong công nghiệp của dây chuyền sản xuất về nghề may, hoàn thiện sản phẩm may. Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cấp chứng chỉ học nghề và giới thiệu việc làm tại Công ty Cổ phần May Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với mức lương cơ bản 3,5 triệu đồng/tháng và hỗ trợ phương tiện đưa đón. Ông Phạm Văn Luyện, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Các lớp đào tạo nghề chủ yếu dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo bà con có kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ngoài những lớp đào tạo ngành nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, huyện còn phối hợp với một số đơn vị mở các lớp khác như: kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây xanh, chăn nuôi dê, bò vỗ béo...nhằm giúp các hộ nông dân có thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để vận dụng tại nhà, nâng cao chất lượng sản phẩm gia đình.

Chị Ta la Thị Nghị phát triển chăn nuôi gia súc nhờ học lớp đào tạo nghề.

Sau các lớp đào tạo nghề, chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, nhiều hộ sau khóa đào tạo, mạnh dạn đầu tư mua bò, dê về nuôi. Chị Tala Thị Nghị, thôn Kiền Kiền 2 (xã Lợi Hải), là hộ nghèo của xã. Sau khi tham gia lớp chăn nuôi bò, dê, chị mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng, mua 2 con bò để chăn nuôi, nhờ vận dụng các kiến thức sau khi học vào chăm sóc nên đàn bò phát triển nhanh và hiện có 5 con. Chị bán bò, có vốn đầu tư sản xuất, ổn định kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Song song với công tác đào tạo nghề, huyện luôn quan tâm đến công tác tạo việc làm cho lao động địa phương. Huyện đã phối hợp với các công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho 607 lao động, đạt 67,4%, 9 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Phạm Văn Luyện cho biết thêm: Huyện luôn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là góp phần thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, thu hút lao động vào các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%, mỗi năm đào tạo nghề cho 400 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 900 lao động.