Phát huy truyền thống xây dựng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao

Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội (tiền thân của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Trải qua 74 năm phát triển và trưởng thành, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) luôn giữ vị trí quan trọng trong thực hiện chính sách lao động (LĐ), người có công (NCC) và bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với cả nước, nhất là sau ngày tách tỉnh đến nay (1-4-1992), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ LĐTB&XH cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, các ngành, các cấp và nhân dân, ngành LĐTB&XH tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được giao trong phát triển kinh tế (KT-XH) địa phương. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu giúp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công đối với các lĩnh vực LĐ, NCC và xã hội; chú trọng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành gắn với phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cải cách hành chính, xây dựng quy chế, lề lối và mối quan hệ làm việc theo hướng tinh giản, hiệu quả, chống phiền hà, sách nhiễu nhân dân, góp phần phát triển KT-XH tỉnh một cách bền vững.

Cụ thể, đối với lĩnh vực LĐ-việc làm, thị trường LĐ ngày càng đa dạng đã tạo điều kiện cho người LĐ, người sử dụng LĐ có nhiều lựa chọn nhằm ổn định công ăn việc làm và đời sống; yên tâm đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Người LĐ được đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có trên 15.000 LĐ được giải quyết việc làm…Thông qua các chương trình giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ LĐ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian LĐ ở khu vực nông thôn; cơ cấu LĐ chuyển dịch theo hướng tích cực. Cải thiện quan hệ LĐ, điều kiện LĐ đã sửa đổi bổ sung kịp thời hệ thống văn bản pháp luật về LĐ tiền lương bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện KT-XH, thu nhập và điều kiện làm việc của người LĐ...

Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, có nhiều đổi mới, gắn với nhu cầu thị trường LĐ, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Toàn tỉnh có 20 cơ sở dạy nghề, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đã được nâng cấp, đầu tư mới, thiết bị dạy nghề đồng bộ, tuyển sinh theo yêu cầu của doanh nghiệp; dạy nghề gắn với thị trường, tạo việc làm, xuất khẩu LĐ. Đặc biệt, ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án dạy nghề cho LĐ nông thôn, quan tâm đến các nghề chuyên canh, nghề đặc thù, làng nghề, nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ riêng trong giai đoạn 2010-2019, tổng số LĐ nông thôn được đào tạo nghề là 32.417 người; tổng số LĐ qua đào tạo nghề thuộc 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là 158.765 người. Số lượng LĐ nông thôn được đào tạo nghề ngày một tăng, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo từ 43,17% năm 2010 lên 56,86% cuối năm 2018.

Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC đã được ngành LĐTB&XH cùng với các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả, trở thành việc làm thường xuyên, có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh quản lý 31.370 hồ sơ NCC, trong đó có 3.704 hồ sơ trợ cấp thường xuyên, với kinh phí trên 7 tỷ đồng/tháng. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, con liệt sỹ cô đơn, tàn tật, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động được nhận phụng dưỡng suốt đời. Ngoài ra, 100% đối tượng NCC với cách mạng được cấp thẻ BHYT và các chính sách thụ hưởng khác.

Xác định xóa đói giảm nghèo gắn với tăng trưởng bền vững là một mục tiêu quan trọng của tỉnh, trong những năm qua, ngành LĐTB&XH đã chủ động điều tra, rà soát nắm tình hình đói nghèo, phân loại hộ nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ và khắc phục; tham mưu, đề xuất với tỉnh để xây dựng chương trình giảm nghèo từng giai đoạn và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả. Nhờ đó, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,34%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 9,17%. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục được thực hiện nghiêm túc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Công tác trợ giúp xã hội đã phát huy vai trò và sức mạnh cộng đồng trong việc giúp đỡ người yếu thế. 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, nên bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được trong 74 năm qua, ngành LĐTB&XH tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết tâm thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và dịch vụ công trong lĩnh vực LĐ, NCC và xã hội; đề xuất thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đạt kết quả thiết thực; từng bước xã hội hoá công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu LĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em, NCC và các đối tượng trợ giúp xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phấn đấu đạt được những chỉ tiêu chủ yếu của ngành đề ra trong giai đoạn 2015-2020.