Học giả Mỹ kêu gọi Washington và Bắc Kinh đối thoại chân thành

Học giả cấp cao Sourabh Gupta kêu gọi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thúc đẩy các cuộc đối thoại chân thành và đáng tin cậy.

Học giả cấp cao Sourabh Gupta, thuộc Viện nghiên cứu Mỹ - Trung có trụ sở tại Washington, cho rằng Mỹ nên duy trì sự đồng thuận mà Bắc Kinh và Washington đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Osaka (Nhật Bản), đồng thời thời kêu gọi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thúc đẩy các cuộc đối thoại chân thành và đáng tin cậy.

Chính phủ Mỹ ngày 15/8 thông báo sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc theo hai đợt lần lượt vào ngày 1/9 và 15/12. Đáp lại, ngày 23/8, Bắc Kinh quyết định áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD nhập từ Mỹ.

Sau đó cùng ngày, Washington tuyên bố trả đũa bằng cách tăng thêm thuế đối với lượng hàng hóa giá trị 250 tỷ USD của Trung Quốc từ 25% lên 30% từ ngày 1/10 tới. Tổng thống Trump cũng tuyên bố tăng mức thuế dự kiến áp lên lượng hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 15%.

Tàu container hàng hóa thuộc Tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc cập cảng Long Beach,
hạt Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 14/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh buộc phải đáp trả bằng cách áp thuế bổ sung trước các động thái đơn phương và bảo hộ thương mại của Washington.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa xã, học giả Sourabh Gupta nói rằng ít nhất Washington phải đảo ngược các biện pháp đã thực thi trong tháng qua và quay lại tuân thủ sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.

Theo ông Gupta, sự đồng thuận này có thể tạo ra “nền tảng cần thiết để xây dựng lòng giữa hai bên”. Nếu Trung Quốc và Mỹ khởi động lại các cuộc đàm phán dựa trên sự đồng thuận này, hai nước có thể “đạt được một thỏa thuận lớn hơn liên quan đến các rào cản thương mại mang tính cơ cấu vào tháng 12/2019”. Tuy nhiên, chuyên gia này, điều đó phải dựa trên sự chân thành và tin tưởng.

Ông Gupta cũng bày tỏ lo ngại rằng xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động lâu dài hơn đến tâm lý nhà đầu tư ở Mỹ, trong bối cảnh các thị trường tài chính đã bị xáo trộn trong năm qua do những bất ổn xuất phát từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông nhận định tình hình bất ổn và các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ không thể đảo ngược tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Trên thực thế, cuộc chiến thương mại sẽ làm trầm trọng thêm những cơn gió ngược về kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai chiến dịch tái tranh cử.

Chuyên gia Gupta bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể vượt qua những cú sốc “dồn dập” này. Bất chấp những cú sốc từ bên ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã có thể sử dụng các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế và duy trì tăng trưởng kinh tế trong khoảng 6 - 6,5%.

Theo TTXVN/Báo Tin tức