Khởi sắc làng nghề truyền thống

Trên địa bàn tỉnh ta có hàng chục làng nghề truyền thống; trong đó, sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), làng nghề nước mắm Cà Ná được lựa chọn là 3 trong số 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, có đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tạo được tiếng vang nhờ có lịch sử hình thành lâu đời và những giá trị văn hóa mang lại. Trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều sản phẩm dệt may Á-Âu hiện đại, nhưng thổ cẩm Mỹ Nghiệp vẫn có sức hút với người tiêu dùng. Khách du lịch đến tỉnh ta, không quên ghé thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp mua vài món đồ về dùng, hoặc làm quà cho người thân. Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp vì thế không bị mai một dần theo thời gian, mà ngược lại ngày càng phát triển. Hiện nay, ở làng Mỹ Nghiệp có 1 HTX, 22 cơ sở dệt thổ cẩm đang hoạt động có hiệu quả, thu hút 500 hộ tham gia, tổng doanh thu mỗi năm đạt 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 800 lao động. Chị Đàng Thị Diễn, người trong làng, cho biết: Phụ nữ Chăm ở địa phương dù có “đi đâu về đâu” cũng không quên được nghề dệt truyền thống của cha ông để lại. Các gia đình chú trọng lưu truyền nghề cho con cháu, góp phần làm cho làng dệt ngày thêm nhộn nhịp. Hiện nay, cả làng có 123 máy dệt hoạt động liên tục, cho ra nhiều loại sản phẩm có hoa văn trang trí phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong cả nước.

Du khách tham quan Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: V.M

Làng gốm Bàu Trúc sau những bước thăng trầm thì gần đây đã được vực dậy một cách ngoạn muc. Năm 2007, thưc hiện Chương trình khôi phục làng nghề gắn với du lịch, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Nhà trưng bày sản phẩm gốm phục vụ khách tham quan, mua sắm. Hòa vào xu thế phát triển chung, các nghệ nhân làm gốm đã thay đổi mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới với những bình gốm trang trí hoa văn đẹp. Làng gốm Bàu Trúc hiện có 975 hộ; trong đó, có 300 hộ làm gốm. Nghề làm gốm đang ngày càng phát triển, trong làng có 1 HTX, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên, tạo ra nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng gốm trang trí nhà vườn của các gia đình, khách sạn, resort trên toàn quốc.

Làng nghề nước nắm Cà Ná (Thuận Nam) được hình thành cách đây hàng trăm năm, tạo ra sản phẩm đặc thù của tỉnh với các nhà sản xuất mắm nổi tiếng như Hai Non, Hồng Hương, Hương Miền Trung… được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Nước mắm Cà Ná làm bằng nguyên liệu cá cơm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có hương vị thơm đậm đà, tạo được sự khác biệt. Hiện tại, trên địa bàn xã Cà Ná và Phước Diêm có 265 hộ chuyên làm nghề nước mắm, mỗi năm sản xuất hàng triệu lít cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, với tổng doanh thu ước đạt 38 tỷ đồng. Sản xuất nước mắm ở địa phương được xác định là nghề lợi thế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân vùng biển.

Sản phẩm nước mắm Cà Ná được tiêu thụ mạnh nhờ có chất lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Sản phẩm của 3 làng nghề truyền thống kể trên đã được đăng ký bảo hộ dưới hình thức Nhãn hiệu chứng nhận tập thể nhằm chứng minh các đặc tính về nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng. Để tạo dựng uy tín thương hiệu cho sản phẩm của các làng nghề, ngành chức năng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý, phát huy hiệu quả giá trị nhãn hiệu bằng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tạo dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Các hộ làm nghề được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi mở rộng quy mô sản xuất, thiết lập các kênh tiếp thị phân phối rộng khắp trên toàn quốc. Đồng chí Phạm Văn Bình, Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ các làng nghề truyền thống tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối “cung - cầu” thị trường các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Qua đó, giúp các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thổ cẩm, gốm, nước mắm có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ sự nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ phát triển làng nghề, đã có tác dụng nâng cao ý thức của các hộ khai thác sử dụng hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận tập thể để duy trì và phát triển làng nghề. Các cơ sở dệt thổ cẩm, làm gốm, chế biến nước mắm tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận tập thể, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm cho các làng nghề truyền thống ngày càng khởi sắc.