Thức ăn hè phố và nỗi lo về mất an toàn thực phẩm

Với nhiều người, những hàng quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố từ lâu đã là sự lựa chọn cho việc thỏa mãn nhu cầu ăn uống cấp thời bởi nhiều lý do như: thuận tiện, nhanh chóng, hợp túi tiền, món ăn đa dạng… Tuy nhiên, với suy nghĩ dễ dãi cùng với thói quen hàng ngày, người tiêu dùng đã và đang xem nhẹ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Tại các con phố trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp chàm rất dễ dàng để bắt gặp cảnh nhộn nhịp người bán, người ăn trên các vỉa hè, góc phố. Những quán cơm, bún, phở, nghi ngút khói, những chiếc xe kéo với những túi quà vặt xanh, đỏ bán ngay cổng trường… Có thể nói, thức ăn hè phố từ lâu đã trở thành một phần của đời sống người dân, luôn được yêu thích không chỉ bởi hương vị của món ăn mà còn vì sự tiện lợi, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, thức ăn hè phố tiềm ẩn rất nhiều khả năng mất an toàn thực phẩm, nhưng cả người bán lẫn người tiêu dùng đều ít quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho thức ăn đang bày bán như: Thức ăn và dụng cụ phục vụ sơ chế chưa có các biện pháp che đậy kỹ càng để hạn chế ruồi muỗi, bụi từ mặt đường; nguồn gốc thực phẩm đang bày bán cũng chưa được quan tâm…Ông Nguyễn Văn Tín, một người dân trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Bản thân ông cũng rất thường xuyên sử dụng thức căn hè phố bởi công việc bận rộn. Thức ăn hè phố rất tiện dụng vì muốn ăn lúc nào cũng được nhưng có an toàn thực phẩm hay không thì chỉ người bán mới biết, còn người tiêu dùng chỉ sử dụng và tin tưởng vào người bán.

Theo số liệu thống kê, trên địa tỉnh có 2.897 cơ sở thức ăn hè phố, trong đó có 2.124 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP trong năm 2019. Riêng Tp Phan Rang-Tháp Chàm có khoảng 1.126 cơ sở kinh doanh loại hình thức ăn hè phố nhưng cũng chỉ có 916 cơ sở được xác nhận kiến thức và ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP. Số liệu trên cho thấy mặc dù ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong việc giám sát loại hình thức ăn hè phố nhưng vẫn tồn tại nhiều cơ sở chưa ý thức được công tác đảm bảo vệ sinh ATTP khi cung cấp đến người tiêu dùng, khiến thức ăn hè phố tồn tại nhiều bất cập như nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng và mất mỹ quan đô thị.

Ông Thành Trọng Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, cho biết: Trước thực trạng trên, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP về loại hình thức ăn hè phố Sở Y tế đã ban hành Hướng dẫn số 454/2018/HD-SYT về hướng dẫn tiêu chí đánh giá điều kiện ATTP về thức ăn đường phố đối với các xã, phường đồng thời tiến hành thực hiện đề án mô hình điểm về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, Sở y tế và chi cục cũng đã phân quyền quản lý loại hình thức ăn hè phố về cho địa phương. Tuy nhiên, Chi cục Vệ sinh ATTP cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra theo định kỳ để phát hiện các thiếu sót trong quá trình kinh doanh, buôn bán nhằm kịp thời nhắc nhở cơ sở khắc phục.

Thức ăn hè phố luôn mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các ngành liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức người kinh doanh, người tiêu dùng trong việc lựa chọn, cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn.