Phước Hải: Hiệu quả mô hình trồng măng tây xanh

Nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đem lại thu nhập cao, sau một thời gian tìm hiểu mô hình trồng măng tây xanh ở một số địa phương và nhận thấy điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, thời gian qua, xã Phước Hải (Ninh Phước) đã triển khai thực hiện mô hình trồng măng tây xanh cho các hộ dân.

Mô hình trồng măng tây xanh được xã Phước Hải triển khai thực hiện vào tháng 8-2018, với 37 hộ thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế (HTX Châu Rế )với diện tích khoảng 10 ha. Để thực hiện hiệu quả mô hình, địa phương đã đầu tư đường vào khu sản xuất, cải tạo đất rẫy cho bà con. Ngoài ra, khi tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 18 triệu đồng để mua giống, phân, được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc và được bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, qua 1 năm đi vào sản xuất, mô hình trồng măng tây xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác gấp 3 lần, đồng thời với đầu ra ổn định nên các hộ thành viên đang nhanh chóng phát triển diện tích trồng cây măng tây xanh.

Đến thăm mô hình trồng măng tây xanh của gia đình chị Châu Thị Xíu, thành viên HTX Châu Rế, trước đây 3 sào đất rẫy của gia đình chị trồng nhiều lại cây khác nhau, nhưng do đất cát pha, lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập không ổn định. Khi được địa phương vận động vào HTX để thực hiện mô hình trồng măng tây xanh, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư kinh phí khoan giếng lấy nước và chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng măng tây xanh. Sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, lứa đầu tiên đã cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi ngày thu khoảng 12-15 kg, với giá bán 50.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập hơn 600 ngàn đồng/ngày.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ thành công của một số hộ thành viên ban đầu, hiện nay HTX Châu Rế đã tăng lên 73 hộ đang thực hiện mô hình. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Phước Hải đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con từ khâu sản xuất đến khâu phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch… Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các ban, ngành triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm cho bà con, nhằm giảm bớt chi phí trong sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Châu Rế, cho biết: Thực hiện mô hình trồng măng tây xanh không chỉ giúp các hộ thành viên và hộ dân thay đổi được tập quán sản xuất, mà còn có cơ hội năm bắt được kỹ thuật mới trong sản xuất, vì vậy năng suất và chất lượng đạt cao hơn. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của măng tây xanh của HTX được doanh nghiệp đối tác thu mua, bao tiêu sản phẩm, do vây bà con yên tâm trong quá trình sản xuất.

Đồng chí Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải, cho biết: Hiệu quả mang lại từ mô hình trồng măng tây xanh mà địa phương đang triển khai cho các hộ dân trong HTX thời gian qua là rất đáng kể, không chỉ mang lại thu nhập khá, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nông dân. Vì vậy, thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động bà con thực hiện hiệu quả mô hình, đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là liên kết với nông dân sản xuất măng tây xanh; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.