Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Cách mạng Tháng Tám là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử 74 năm, có thể thấy, một trong những bài sử vô giá, cốt lõi của mọi thành công là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sự đồng thuận của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học ấy không chỉ sâu sắc trong chiến tranh giải phóng mà còn tiếp tục soi rọi trong mỗi bước đường phát triển của công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam

Đoàn kết, cụ thể là đoàn kết trong Đảng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc chính là nhân tố quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

- Sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng

Để có được sự thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự đoàn kết, thống nhất cao. 

Cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang) với thành phần tham gia gồm đại biểu các đảng bộ địa phương, các chiến khu và khu giải phóng. Hội nghị đã thống nhất đưa ra quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tiếp ngay sau đó, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16-8-1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Đại hội nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. 

Bên cạnh đó, để giành được thắng lợi,  Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và quan trọng nhất chính là các nguyên tắc chỉ đạo cách mạng. Trong đó, những nguyên tắc nổi bật được đặc biệt nhấn mạnh là: tập trung-thống nhất-kịp thời: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội” (1). 

Chính sự đoàn kết và thống nhất cao trong Đảng, sự tuân thủ nghiêm và bảo đảm hiện thực hóa đầy đủ các nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã góp phần quan trọng vào thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (2).

- Toàn dân nổi dậy, cả nước đồng lòng đứng lên

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà. “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...” (3).

Trên cơ sở đó, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công-nông và ngày càng mở rộng lực lượng ra toàn dân tộc. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941) Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (4). 

Dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của nhân dân được nhân lên gấp bội. Quần chúng nhân dân được tổ chức thành các đoàn thể cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Càng tiến gần tới cuộc Tổng khởi nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất càng mở rộng, thu nạp thêm nhiều tổ chức yêu nước, thu hẹp lực lượng chống đối và tầng lớp trung gian, tạo nên một lực lượng hùng mạnh.

Vậy là, “ý Đảng, lòng dân” hội tụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức cùng các tầng lớp lao động khác được phát huy, tạo nên sức mạnh nội lực to lớn, thực hiện thành công cuộc cách mạng lịch sử. 

Có thể thấy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam mà còn chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “đem sức ta giải phóng cho ta”. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai, tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng không ngừng quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trong hơn 30 năm đổi mới.

Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết theo tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học chủ yếu đưa công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi như ngày hôm nay là mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố chính là nhân tố bảo đảm ổn định tình hình chính trị-xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện an sinh xã hội…

Hiện nay, nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tăng cường hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thời cơ lớn, nước ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.

Trước những thời cơ và thách thức đan xen đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016) khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (5). 

Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, Đảng ta nhấn mạnh phải “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(6).

Kinh nghiệm của ông cha cũng như quy luật của lịch sử đã minh chứng, chỉ khi nào kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh trong nước với sức mạnh ngoài nước; biến được sức mạnh ngoại sinh thành sức mạnh nội sinh, thành ý chí của toàn dân tộc chúng ta mới có thể bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ và bảo vệ thành công sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng XHCN.

Với những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cùng tài năng, đức tính cần cù, ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để vững tin vào sự hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo TTXVN
-------------------------------------------------------
(1): Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.425
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.159
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t3, tr.217.
(4): Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t7, tr. 461.
(5), (6): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158,159.