Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế

Ngày 16-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế”. Các đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Tham dự điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin hằng năm có khoảng 4,8 -12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương; ước tính có hơn 700 ngàn loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa; khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị ngành Y tế nước ta tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: BT

Phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc; rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế; đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh, sạch, đẹp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại. Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi phổ biến Chỉ thị số 08/CT-BYT, ngày 29-7-2019 của Bộ Y tế “Về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế”, lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị trực thuộc bộ đã ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa y tế. Tại tỉnh ta, lãnh đạo Sở Y tế cũng đã ký cam kết với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở Y tế.