Triển vọng Dự án Ứng dụng vi tảo làm sạch nước nuôi tôm tạo sinh khối cho sản xuất dầu sinh học

Nuôi trồng thủy sản được tỉnh ta xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho nông dân. Để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai những mô hình sản xuất có hiệu quả.

Qua đó, một số giống thủy sản mới được đưa vào thả nuôi cho năng suất cao và có tác dụng cải tạo môi trường mặt nước. Tuy vậy, vấn đề xử lý môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nước thải từ quá trình nuôi thủy sản chỉ được xử lý sơ sài rồi thải ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn mầm móng dịch bệnh cho vật nuôi đang là vấn đề bức xúc cần sớm giải quyết.

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng vi tảo làm sạch nước nuôi tôm tạo sinh khối cho sản xuất
dầu sinh học tại Trung tâm Sản xuất giống thủy sản cấp 1 tỉnh.

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, được sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ, năm 2016, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Sản xuất giống thủy sản cấp 1 tỉnh, triển khai Dự án Ứng dụng vi tảo làm sạch nước nuôi tôm tạo sinh khối cho sản xuất dầu sinh học và làm thức ăn chăn nuôi (dự án). Đây là dự án có tính mới, với quan điểm “xem nước thải là nguồn tài nguyên”, sử dụng các thành phần ô nhiễm trong nước thải nuôi tôm (N,P) thành nguồn dinh dưỡng nuôi trồng các giống vi tảo chọn lọc. Vi tảo sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp và các nguồn dinh dưỡng trong nước thải để sinh trưởng, tạo ra sinh khối có ích, làm nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất dầu sinh học và thức ăn chăn nuôi. Các hộ nuôi tôm khi sử dụng hệ thống nuôi trồng vi tảo sẽ góp phần làm sạch nước thải và tạo thêm thu nhập từ sinh khối vi tảo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS. Lê Hùng Anh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Quá trình thực hiện dự án nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tính chất nước thải nuôi tôm của các hộ dân, doanh nghiệp tại xã An Hải (Ninh Phước) và khu vực Đầm Nại (Ninh Hải); phân tích các thành phần hóa lý nước thải trong quá trình nuôi tại Phòng thí nghiệm chuyên sâu về sinh học, vi tảo của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường đặt tại Trung tâm Sản xuất giống hải sản cấp 1 tỉnh Ninh Thuận và cơ sở chính của Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Phân lập, tuyển chọn và định danh các chủng vi tảo có hiệu suất xử lý nước thải và tạo ra sinh khối có hàm lương lipid cao, phù hợp cho sản xuất dầu sinh học (biodiesel). Nguyên cứu chu kỳ sinh trưởng và hoàn thiện quy trình nhân sinh khối các giống vi tảo. Chế tạo các mô hình nuôi vi tảo quy mô phòng thí nghiệm (biodiesel) theo các dạng kỹ thuật khác nhau. Đánh giá hiệu quả sinh trưởng và xử lý nước thải của các giống vi tảo với các điều kiện khác nhau về dinh dưỡng, độ mặn, cường độ và thời gian chiếu sáng. Thiết kế và đầu tư xây dựng hồ cao tải nuôi vi tảo quy mô pilot với thể tích nuôi 100m3 sử dụng nước thải và bùn thải thực từ ao nuôi tôm. Thu hồi sinh khí tại Trung tâm Sản xuất giống hải sản cấp 1 tỉnh.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, nước thải bùn từ ao nuôi tôm là môi trường phù hợp cho sự sinh trưởng của vi tảo. Hệ thống ao cao tải cho hiệu quả cao trong nuôi trồng vi tảo ở điều kiện khí hậu Ninh Thuận. Năng suất vi tảo đạt 2,8 kg tươi, 0,4 kg khô/m3 bể nuôi cao tải. Hiệu quả xử lý đạt yêu cầu, loại bỏ trên 90% NH4 và 70% PO4. Tại Hội thảo giới thiệu kết quả dự án tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học đánh giá cao dự án là công trình nghiên cứu khoa học sát với tình hình thực tiễn ở Ninh Thuận, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

PGS.TS. Lê Hùng Anh, cho biết thêm: Để tiếp tục hoàn thiện dự án, từ nay đến năm 2020, nhóm nghiên cứu tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như biên soạn sổ tay hướng dẫn nông dân quy trình nuôi tảo; tập huấn, chuyển giao quy trình nuôi sinh khối cho các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm và kết nối với doanh nghiệp sản xuất dầu sinh học để thu mua sinh khối vi tảo. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ Bỉ xây dựng phòng thí nghiệm lưu trữ các giống tảo đã được lựa chọn; đào tào 2 nghiên cứu sinh, 9 thạc sỹ và 30 sinh viên Việt Nam và Bỉ làm luận văn và khóa luận tốt nghiệp trong khuôn khổ dự án.