Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Chuẩn bị tốt các điều kiện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học 2019 - 2020

Năm học mới 2019-2020 đang đến gần. Để có cái nhìn toàn diện về công tác chuẩn bị các điều kiện, cũng như một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học trong năm học mới, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020 ở tỉnh ta được triển khai như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Huệ Khải: Năm học 2019-2020, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành GD&ĐT có 10.126 người (trong đó, giáo viên đứng lớp có 7.865 người) đảm nhận quản lý và giảng dạy cho hơn 140.600 học sinh thuộc 318 cơ sở giáo dục.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định Khung thời gian năm học 2019- 2020 cho các cấp học. Về điều kiện cơ sở vật chất, toàn tỉnh xây mới 431 phòng học, sửa chữa 279 phòng, sửa chữa và xây mới 74 công trình vệ sinh. Các cơ sở giáo dục hoàn thiện việc cải tạo, sửa chữa các công trình phục vụ năm học mới; kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh; tiến hành kiểm kê, đánh giá chất lượng dụng cụ, hóa chất, thiết bị thực hành ở các phòng học bộ môn, phòng chức năng, mua sắm bổ sung các thiết bị, dụng cụ còn thiếu... Tuy vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 19 phòng học tạm, tập trung chủ yếu ở huyện Bác Ái.

Về công tác rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái đã sáp nhập Trường THCS Trần Phú và Trường THPT Bác Ái thành Trường THCS, THPT Bác Ái. Huyện Thuận Nam sáp nhập Trường THCS Phan Chu Trinh và Trường THPT Nguyễn Văn Linh thành Trường THCS, THPT Nguyễn Văn Linh và thành lập mới Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh (xã Cà Ná). Việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên gắn với việc đáp ứng các quy định về định mức số lượng giáo viên, nhân viên phù hợp với vị trí việc làm đối với các cấp học, bậc học.

Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná (Thuận Nam) được đầu tư khang trang
chuẩn bị đón học sinh trong năm học mới 2019-2020. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, ngành GD&ĐT cùng các địa phương cũng quan tâm, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học trước khi bước vào năm học mới. Bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp được quan tâm. Công tác xây dựng kế hoạch, đổi mới các hoạt động quản lý ở các cơ sở giáo dục, đổi mới hoạt động chuyên môn cũng được chú trọng…

* Phóng viên: Ngành GD&ĐT tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì để nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học ?

- Đồng chí Nguyễn Huệ Khải: Năm học 2019-2020 ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 5371/2014/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 235/2014-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết 29/2013-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch hành động số 492/2016/KH-UBND của UBND tỉnh về đổi mới công tác quản lý GD&ĐT tạo sự đột phá về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; phấn đấu đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Đồng thời, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2018- 2019 về việc triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, khắc phục những hạn chế, tồn tại, năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chỉ thị năm học 2019-2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và hoàn thành các điều kiện để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua; củng cố công tác thanh tra; triển khai tổ chức hiệu quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020.

Để nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, ngành chú trọng triển khai hiệu quả các giải pháp, như: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tư vấn giúp đỡ các đơn vị đang gặp khó khăn trong điều hành thực hiện nhiệm vụ năm học; đẩy mạnh đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá, kết hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng trong việc vận động học sinh ra lớp, tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, phụ đạo học sinh; tăng cường nhiều kênh thông tin, giám sát, tuyên truyền, lấy thông tin về người dạy, lắng nghe ý kiến phản hồi của học sinh về cách tổ chức dạy học của giáo viên; cải tiến việc đánh giá chất lượng đầu ra, đặc biệt là công tác thi tuyển vào lớp 10, gắn kết quả thi tuyển vào lớp 10 với công tác giáo dục tại trường THCS; tăng cường vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh; tổ chức các hội thảo chuyên sâu về môn học, phân tích, đánh giá chất lượng dạy học từ có hướng khắc phục hạn chế…

* Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!.