Phan Rang - Tháp Chàm: Hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Tp. Phan Rang Tháp Chàm là trung tâm chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh, với diện tích 79,170 km2, có 16 đơn vị hành chính xã, phường, với dân số khoảng 176.860 người; là nơi có nhiều tiềm năng phát triển của đô thị trẻ năng động. Xây dựng thành phố theo hướng thông minh, đáng sống là yêu cầu và xu hướng tất yếu để phát triển thành phố trong tương lai.

Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa thông qua Quyết định số 950/22018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với tỉnh ta, từ tháng 2-2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về lộ trình thực hiện triển khai xây dựng và phát triển Tp. Phan Rang- Tháp Chàm trở thành TPTM giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phù hợp với các định hướng, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc thù của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm để làm cơ sở pháp lý, tổ chức triển khai thực hiện.

Quy hoạch không gian hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại góp phần
phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố thông minh. Ảnh: H.Nỷ

Trên thực tế, trong những năm qua, với sự nỗ lực và điều kiện của mình, địa phương đã từng bước đầu tư trên các lĩnh vực, hướng đến hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh, những tiện ích của đô thị thông minh đã hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của người dân. Cụ thể như triển khai giám sát an ninh trật tự kết hợp an toàn giao thông trên các tuyền đường chính, các khu trung tâm tập trung đông người bằng camera. Các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp cũng đã sử dụng các phần mềm tiện ích, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động. Đồng chí Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Trong định hướng phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới cũng đã xác định sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng quy hoạch, triển khai thực hiện đảm bảo tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đẩy mạnh cải cách hành chính, phổ biến ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chính quyền điện tử đô thị thông minh của thời kỳ công nghệ số.

Thành phố đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Với nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện đáng kể, nguồn đầu tư còn hạn hẹp, năng lực sản xuất mới còn ít, khoa học công nghệ còn lạc hậu. Quá trình đô thị hóa làm nảy sinh những vấn đề mới phức tạp, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, môi trường, dịch vụ đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển. Việc xây dựng đô thị thông minh là một nội dung mới trong công tác quản lý nhà nước, để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trên các lĩnh vực. Do đó rất cần có sự đóng góp hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành để xây dựng chương trình, lộ trình và nguồn lực thực hiện cho việc phát triển thành phố đạt kết quả cao nhất.

Tại Hội thảo khoa học Chiến lược và giải pháp xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm trở thành TPTM vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu, chuyên gia đầu ngành cũng tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện có hiệu quả về việc ứng dụng phương tiện công nghệ thông tin truyền thông trong quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự xây dựng, đất xây dựng đô thị, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, cây xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường; góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị.

Đồng chí Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, cho rằng: Phan Rang-Tháp Chàm là thành phố còn ít dân, gần biển, nguồn tài nguyên đất đai còn nhiều, cần tập trung lựa chọn hướng đầu tư phù hợp phát triển được các thế mạnh này. Xây dựng TPTM cần chú trọng từ thiết kế, có sự kết nối chan hòa giữa không gian xanh và sự thoải mái tiện dụng; hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Xây dựng TPTM, không phải chỉ sử dụng công nghệ thông tin mà cả lĩnh vực quy hoạch hướng đến các chức năng hoạt động của cư dân đô thị thuận lợi nhất, tiếp cận các dịch vụ công cộng, môi trường thân thiện nhất; đảm bảo yêu cầu “gọn” trong sự đa dạng, vừa có khu dân cư tập trung, nhưng vừa có những cụm dân cư “làng trong phố”. Địa phương cần thực hiện thí điểm từ một khu vực, sau đó mở rộng và kết nối đến các khu vực khác lân cận.

Còn theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, trước tiên Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nên rà soát lại tổng thể cũng như các vấn đề trọng tâm giải quyết, áp dụng công nghệ thông minh sau khi đánh giá cơ bản về tiềm lực cũng như thách thức và cần đặt mục tiêu và bước đi, lộ trình, có lựa chọn sự ưu tiên phân bổ nguồn lực làm sao cho hiệu quả để xây dựng đô thị thông minh trong tương lai.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc xây dựng TPTM là rất cần thiết và cần có sự chung tay của các các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Trên tinh thần vượt qua các thách thức, khó khăn rút kinh nghiệm từ các địa phương đã thực hiện, cùng với những thuận lợi về tài nguyên đất đai, cảnh quan và sự quyết tâm của hệ thống chính trị với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tin rằng chúng ta sẽ có những bước đi, định hướng phát triển Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thực sự trở thành TPTM trong thời gian đến.