58 năm nỗ lực khắc phục thảm họa da cam

58 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên quân đội Mỹ gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ chăm sóc và cải thiện điều kiện sống cho các nạn nhân và gia đình họ; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khắc phục, xử lý vùng đất bị ô nhiễm. Xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Còn đó nỗi đau da cam

Trong 10 năm từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam/dioxin) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha tại Việt Nam, dẫn đến thảm họa hóa học da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

Theo Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; chưa kể hàng trăm nghìn người đã chết; hàng trăm nghìn người đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng đau đớn do hậu quả da cam để lại. Những em bé có ngoại hình dị dạng hay mang bệnh hiểm nghèo, những người phụ nữ chưa từng một lần hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, những người đàn ông tật nguyền, vô sinh, những gia đình sống trong nghèo đói vô vọng… Đau lòng hơn, chất độc da cam đã truyền sang thế thứ tư.

Bên cạnh việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, các chất độc hóa học do đế quốc Mỹ rải xuống còn gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Nhiều khu đất bị nhiễm độc, đặc biệt là tại các sân bay quân sự cũ mà đế quốc Mỹ và đồng minh đã sử dụng trong cuộc chiến tranh.

Chung tay giảm bớt nỗi đau

Với quan điểm khắc phục hậu quả chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, đồng thời là lương tâm và đạo lý, truyền thống của dân tộc, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều các hoạt động, phong trào nhằm giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ.

Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân; hằng năm, Nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân; riêng tiền trợ cấp các nạn nhân chất độc da cam lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tính đến năm 2018, khoảng 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ được xem xét xác nhận bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng 159.000 người đã được hưởng chế độ ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, những người này và con đẻ còn được bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, ưu tiên trong tuyển sinh tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục đào tạo.

Đặc biệt, sự ra đời của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, vào năm 2004, có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân, góp phần khắc phục hậu quả. Các hoạt động, chương trình, phong trào do Hội phát động đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm, ủng hộ của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế. Điển hình là phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” được triển khai sâu rộng, thu hút nhiều người tham gia và ủng hộ. Tính từ năm 2013 đến năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng quỹ đạt hơn 1.139 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, thăm hỏi, tặng quà, nhằm cải thiện đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân… Hay trong 8 năm tổ chức chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, Hội đã nhận được hơn 19,3 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với những nạn nhân chất độc da cam và sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng, cũng như của bạn bè quốc tế, đã giúp nạn nhân da cam vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ của cộng đồng và toàn xã hội. Xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Nỗ lực xử lý các vùng đất bị ô nhiễm

Sau khi chiến tranh kết thúc, các cơ quan, đơn vị chức năng như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 33), Ủy ban quốc gia điều tra các hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10-80) đã chủ động phối hợp với các đối tác quốc tế như Công ty Hatfield-Canada, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức triển khai thực hiện các nghiên cứu, điều tra, khảo sát nhằm xác định vị trí, phạm vi và mức độ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại các khu vực bị phun rải, các khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Việt Nam nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm phù hợp.

Tại sân bay Đà Nẵng, năm 2007, với sự tài trợ của Quỹ Ford, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Bộ Quốc phòng đã thực hiện bê tông hóa 6.900 m2 đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin để hạn chế sự phát tán ra xung quanh; xây dựng hệ thống bể lắng, lọc và đập tràn nhằm giảm thấp nhất lượng dioxin trước khi đổ vào hồ điều hòa.

Trong giai đoạn 2012-2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hoàn thành xử lý 90.000 m3 bùn, đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất dưới ngưỡng cần xử lý. Kết thúc dự án, tháng 11-2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã bàn giao 32,4 ha đất sau xử lý để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những điểm sáng trong quá trình xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.

Tại sân bay Biên Hòa, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành cô lập khoảng 150.000 m3 đất nhiễm độc hóa học/dioxin theo hai giai đoạn (2006-2010 và 2014-2017), tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Năm 2013, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng công trình ngăn chặn lan tỏa tạm thời 10.000 m2 đất nhiễm dioxin tại khu vực trước đây quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Pacer Ivy. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án Xử lý môi trường các điểm nóng dioxin tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn 2017-2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa với số kinh phí bảo đảm 270 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm chuẩn bị cho việc xử lý tổng thể dioxin tại sân bay này, trong đó có các hạng mục như: cải tạo đường vận chuyển phục vụ xử lý dioxin cả bên trong và bên ngoài sân bay; xây dựng công trình chống lan tỏa, cách ly khu vực bị ô nhiễm...

Năm 2018, Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) và Quân chủng Phòng không-Không quân cũng đã ký các văn bản hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ về xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 2018-2023 với tổng số vốn ODA không hoàn lại mà Hoa Kỳ cam kết tài trợ là 183 triệu USD.