Đầu tư cho con người phải đi trước một bước

Chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động lạc hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động quốc gia còn thấp; trình độ lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động (NSLĐ).

Trong bối cảnh mới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động quốc gia, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở tất cả các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách,doanh nghiệp/ người sử dụng lao động và người dân. Quán triệt lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về “trồng người”. Phải nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển con người, giữa ban hành chính sách và đảm bảo nguồn lực thực hiện. Coi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển và phải đi trước một bước. Kế hoạch về nguồn nhân lực phải là cấu phần quan trọng trong mọi chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, có chiến lược căn cơ về xây dựng vốn con người Việt Nam bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe, được tích lũy trong suốt cuộc đời, để người dân nhận ra tiềm năng của mình như là thành viên hữu ích của xã hội. Chiến lược cần ưu tiên 2 mục tiêu cụ thể sau:

Một là, rút ngắn khoảng cách tụt hậu về cân nặng, chiều cao cho thế hệ tương lai thông qua tăng cường thực hiện các chính sách và chương trình dinh dưỡng, chăm sóc y tế, rèn luyện sức khỏe. Ưu tiên các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trẻ em các hộ gia đình có khó khăn về điều kiện kinh tế để góp phần giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân;

Hai là, nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng cho thế hệ tương lai đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua các chương trình cải cách giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo hướng khai phóng, khuyến khích và kích thích tính sáng tạo để phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân và tập thể.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu. Nhà trường chủ động tiếp cận thị trường và tạo ra nhu cầu cho doanh nghiệp. Thương mại hóa mạnh mẽ sản phẩm khoa học công nghệ và khởi nghiệp của các nhà khoa học. Các trường đại học, cơ sở đào tạo được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý với tác giả và các bên liên quan phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và Khoa học Công nghệ.

Thứ tư, tăng cường kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp. Tạo ra những chương trình, dự án phối hợp để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và định hướng, đào tạo kỹ năng cho sinh viên, nghiên cứu sinh để giúp họ khởi nghiệp vì mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ năm, tăng cường kết nối đào tạo và sử dụng lao động. Tăng cường thông tin thị trường lao động. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mở rộng môi trường và cơ hội thực hành và cơ hội việc làm cho học sinh/sinh viên.

Thứ sáu, đổi mới có tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng môi trường làm việc, trọng dụng nhân tài đồng bộ, tạo cơ hội cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao là người Việt đang làm việc ở nước ngoài và Việt kiều và chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Theo www.chinhphu.vn