Làn sóng đầu tư mới vào nông nghiệp

Hướng tới đạt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Từ việc được hưởng nhiều ưu đãi về giảm thuế sử dụng đất, tiếp cận nguồn vốn, triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đã tạo ra làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án nông nghiệp. Qua rà soát, tất cả các dự án cơ bản triển khai đảm bảo đúng tiến độ, tuân thủ cách thức sản xuất tập trung trên quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử, dự án Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng nhanh” do Viện Khoa học và Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần VAPECO Việt Nam làm chủ đầu tư triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái) với quy mô gần 34 ha đã đi tiên phong trong sử dụng các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Đến nay, dự án đã hoàn thành, trồng được 4,5 ha bưởi da xanh, gần 4 ha sầu riêng và 1.000m2 dưa lưới trong nhà kính; Công ty vừa thu hoạch được 5 tấn dưa.

Sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao ở Trang tại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: A.T

Điểm mới trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp thời gian gần đây là nếu như trước đây doanh nghiệp quan tâm nhiều vào sản xuất tôm giống, lúa giống, bắp giống ở vùng ven biển, đồng bằng, thì hiện nay mở rộng lên cả vùng núi, tập trung vào canh tác những loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Các dự án như Khu Nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà (Thuận Nam) có diện tích 500 ha, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, quy hoạch các khu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hàng nông sản theo chuỗi giá trị được kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi để phát triển kinh tế.

Khi doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều đã góp phần quan trọng vào thực hiện có kết quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Kể từ khi dự án Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech được triển khai, đi vào hoạt động, đã biến vùng đất khô cằn ở xã vùng núi Phước Tiến có thêm sức sống mới. Dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống điện, hoàn chỉnh hệ thống tạo nguồn nước (trạm bơm, bể trữ nước, đường ống dẫn nước) phục vụ sản xuất. Tại khu vực trồng bưởi da xanh quy mô 12 ha, các công đoạn sản xuất như tưới nước, bón phân, được tự động hóa hoàn toàn. Hiện tại, chủ đầu tư đang xây dựng nhà lưới, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái nhà để triển khai mô hình trồng nấm hương, linh chi và hoa lan.

 

Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh xã Phước Tiến (Bác Ái) thuộc Viện Khoa học thủy lợi khảo nghiệm
thành công mô hình canh tác dưa lưới trong nhà kính áp dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng.Ảnh: Nguyễn Sơn

Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là không thể phủ nhận, nên việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh là chủ trương nhất quán của tỉnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực chế biến thiếu vùng sản xuất nguyên liệu đầu vào. Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại xã Phước Tiến đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công trình, thì phải tạm ngưng thi công để xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ nhà máy hoạt động. Để sản xuất 3.000 -5.000 tấn thức ăn gia súc/ngày, công ty đang liên kết sản xuất với nông dân thuộc 6 xã trên địa bàn huyện Bác Ái. Nhằm mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo hướng liên kết với hộ sản xuất cánh đồng lớn, công ty đã khảo sát vùng trồng bắp sinh khối ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), xã Phước Thái (Ninh Phước) với diện tích dự kiến lên tới hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, việc liên kết vùng sản xuất nguyên liệu bắp sinh khối với nông dân ở 2 huyện trên đang gặp khó khăn vì nông dân chưa mạnh dạn tham gia vào chuỗi liên kết.

Thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo quy mô hàng hóa, điều doanh nghiệp cần là có quỹ đất đủ lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận đất sản xuất lại đang là một trong những cản trở lớn đối với doanh nghiệp. Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết với nông dân để hình thành vùng sản xuất ổn định; đồng thời, thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các điều kiện tự nhiên như đất đai, nguồn nước để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo tinh thần của Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.