Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1 đến 7-8)

Sữa mẹ - nền tảng dinh dưỡng, miễn dịch cho trẻ

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Đặc biệt, trong sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, giúp tăng cường sức đề kháng. Do đó, cho trẻ bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và bệnh tật cho trẻ.

Sữa mẹ -lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trong sữa mẹ còn chứa nhiều chất kháng khuẩn, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ; chứa những yếu tố miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Ngoài ra, sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng, trẻ bú mẹ ít bị dị ứng như ăn sữa bò.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo cộng đồng nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ được ví như vaccine đầu tiên cho trẻ sơ sinh, với nhiều kháng thể bảo vệ trẻ khỏi các bệnh, như: hen xuyễn, nhiễm trùng tai, đột tử, tiểu đường tuýp 2, tiêu chảy, nhiễm trùng hệ tuần hoàn...

Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên và tối ưu nhất đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, là biện pháp có thể tác động nhiều nhất đến sự sống còn trong 2 năm đầu đời của trẻ. Nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet công bố năm 2015 cho thấy, việc nuôi con sữa mẹ hoàn toàn có thể ngăn chặn 823.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở các nước có thu nhập cao, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm thiểu nguy cơ trẻ sơ sinh đột tử đến hơn 1/3 lần. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nó có thể ngăn chặn một nửa ca bị tiêu chảy và 1/3 ca viêm nhiễm.

Sữa mẹ được xem như nền tảng dinh dưỡng, nền tảng miễn dịch cho trẻ ngay từ khi chào đời. Và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu, cho đến khi trẻ được hai tuổi hoặc lâu hơn nữa, kết hợp với bổ sung các thức ăn an toàn và phù hợp là phương thức nuôi trẻ tốt nhất.

Không chỉ xây dựng nền tảng sức khoẻ tốt cho trẻ em trên toàn thế giới trong ngắn hạn và dài hạn, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích cho người mẹ, giúp giảm khoảng 20.000 ca tử vong vì ung thư vú mỗi năm. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp tiết kiệm về thời gian và chi phí. Bởi cho con bú mẹ không phải mua sữa ngoài, không phụ thuộc vào giờ, không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, mà lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp gắn bó tình mẫu tử, mẹ gần gũi, tiếp xúc với con nhiều hơn, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của đứa trẻ.

Tăng tỷ lệ trẻ được bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Theo UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới: Cứ 5 trẻ mới sinh thì có 3 trẻ không được bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu tiên sau khi sinh. Điều này khiến trẻ có nguy cơ tử vong và bệnh tật cao hơn và trẻ cũng ít có cơ hội được tiếp tục bú mẹ hơn. Hầu hết những trẻ này được sinh ra ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ nhỏ được bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh có nhiều khả năng sống sót hơn. Sự chậm trễ, thậm chí chỉ vài giờ sau khi sinh mới cho trẻ bú có thể gây ra những hậu quả đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ nhỏ được bắt đầu bú mẹ muộn hơn, trong vòng từ 2-23 giờ sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với những trẻ được bắt đầu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Với những trẻ được bắt đầu cho bú mẹ muộn sau một ngày, hoặc lâu hơn nữa thì nguy cơ cao gấp 2 lần.

Mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với sức khỏe của cả mẹ và bé, tuy nhiên, tỷ lệ người nuôi con bằng sữa mẹ mẹ vẫn ở mức thấp. Theo Bảng xếp hạng nuôi con bằng sữa mẹ toàn cầu (được UNICEF và WHO công bố ngày 1-8-2017), trên thế giới, chỉ có 40% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, chỉ có 23 quốc gia có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trên 60%...

Tại Việt Nam, một nghiên cứu độc lập được Bộ Y tế công bố cho thấy, tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu ở Việt Nam giảm từ 34% năm 1998 xuống còn 19,6% năm 2016. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang nằm trong nhóm có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam vẫn còn khoảng 600.000 trẻ không được bú mẹ trong thời gian đầu.

Trước thực trạng tỷ lệ cho bú sớm có xu hướng giảm, từ năm 2014, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình, bao gồm việc ban hành và thực hiện Quy định một số biện pháp thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO và UNICEF. Quy định này nhấn mạnh việc tiếp xúc trực tiếp da kề da ngay sau khi sinh và hỗ trợ việc cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ sau sinh. Các nhân viên y tế ở tất cả các tỉnh, thành phố đã được tập huấn và các hoạt động giám sát được tiến hành nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ quy định này. Kết quả bước đầu đã cho thấy có sự cải thiện đáng kể. Theo điều tra về Chăm sóc cơ bản cho trẻ mới sinh trong bệnh viện năm 2017, hơn 73% trẻ mới sinh đã được cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Vừa qua (ngày 28-5-2019), Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Alive & Thrive triển khai thực hiện Đề án “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”. Đề án được thực hiện tại 29 bệnh viện của 9 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều bệnh viện sản đầu ngành, như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh... Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy các cơ sở y tế thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC) và chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (KMC), góp phần tăng tỷ lệ trẻ được bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu của Việt Nam. Bệnh viện đạt các tiêu chí đề ra sẽ được gắn biển công nhận danh hiệu, được vinh danh trên truyền thông và tôn vinh bởi cộng đồng nuôi con bằng sữa mẹ.

Cho trẻ bú đúng cách

- Thời điểm cho trẻ bú: tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng 1 giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú, bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ (Prolactin, Oxytoxin), bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm, trẻ được bú sữa non. Động tác bú có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu cho người mẹ sau đẻ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm.

- Tư thế cho trẻ bú: khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi cho bú, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Cho trẻ bú cả hai bên để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

- Thời gian trẻ cai sữa: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy. Trẻ đẻ non, yếu hoặc mẹ bị ốm nặng, bị mắc bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa cho trẻ ăn bằng bình, cốc. Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.