Tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh ta thuộc dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 61,5 km qua địa bàn các huyện Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam. Theo kế hoạch, đến tháng 10-2019 sẽ hoàn thành việc giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng đến nay tiến độ thực hiện đang bị chậm trễ, vướng mắc. Đòi hỏi các ngành, địa phương liên quan cần tích cực sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.

Theo Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải), từ tháng 5-2019, các đơn vị tư vấn thực hiện dự án đã hoàn thành công tác cắm mốc thực địa và bàn giao cho địa phương; đồng thời phân bổ kinh phí đợt 1 là 160,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tới thời điểm hiện tại, tiến độ triển khai tại các địa phương còn chậm so với kế hoạch; đặc biệt trong việc lập thẩm định phê duyệt lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Công tác giải ngân nguồn vốn đạt thấp; toàn tỉnh chỉ mới giải ngân đạt 1,2 tỷ đồng trong tổng số 160,5 tỷ đồng đã cấp, tương đương 0,75% so với kế hoạch đã đăng ký.

Một số địa phương cho rằng, do khối lượng công tác đền bù giải phóng mặt bằng rất lớn, nhưng thời gian thực hiện tương đối ngắn. Thực tế triển khai, do phát sinh một số vấn đề về thiết kế, thủ tục, đo đạc, quy chủ dẫn đến kết quả thực hiện chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Trong khi đó, sự phối hợp của địa phương với chủ đầu tư, đơn vị thi công còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Cụ thể tại huyện Thuận Bắc, địa phương đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân di dời 377 ngôi mộ của bà con đồng bào dân tộc Raglai. Ông Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Do theo phong tục tục bỏ mả, người dân không đồng ý cho việc bốc mộ. Qua vận động, một số hộ đồng ý nhưng trước khi thực hiện phải tổ chức lễ cúng theo tập quán, nên phát sinh chi phí từ 3-5 triệu đồng/mộ, nên địa phương đang đề xuất chính sách phù hợp để hỗ trợ tạo đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, có 17,4 ha đất rừng cần phải lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, có phương án tổ chức trồng rừng thay thế. Tại một số lâm phần, người dân có đất canh tác xen canh, cũng cần có sự kiểm đếm, đo đạc cụ thể để thống nhất hướng hỗ trợ, đảm bảo đời sống dân sinh cho người dân.

Không chỉ riêng huyện Thuận Bắc, các địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc lập thủ tục, triển khai công tác đấu thầu, kiểm đếm, đánh giá tác động để di dời các nhóm hạ tầng như điện, viễn thông, nước sinh hoạt vừa đảm bảo kịp thời, nhưng phải tuân thủ theo đúng Luật Đấu thầu. Ông Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Tuyến cao tốc có 5,5 km đi qua địa bàn huyện, với tổng diện tích thu hồi 41,9 ha thuộc 49 hộ dân. Đến nay địa phương đã kiểm kê, có hồ sơ đo đạc gửi cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện còn khó khăn về phương án, thủ tục đấu thầu công tác di dời cơ sở hạ tầng. Trong đó, có 7 trụ cột viễn thông, 856 m cáp quang đơn vị chủ quản đề nghị được hỗ trợ di dời. Về hệ thống điện, qua khảo sát lập phương án, hiện vẫn chưa thống nhất được về thủ tục, hồ sơ đấu thầu. Địa phương cũng mong muốn, cần có cơ chế ưu tiên giúp huyện thẩm định, phê duyệt đấu thầu nhanh, rút ngắn quy trình, thời gian chờ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án 85 đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đăng ký, tránh tình trạng không giải ngân kịp phải điều chuyển cho dự án khác; đồng thời căn cứ khối lượng đền bù đã được đo đạc, kiểm đếm, tính toán lại tổng nguồn vốn cần bố trí để chi trả. Đối với một số nội dung công việc đang bị chậm tiến độ do công tác lựa chọn tư vấn chưa hoàn thành, Ban Quản lý Dự án đề nghị các địa phương cần sớm có quyết định lựa chọn tư vấn, xác định giá đất cụ thể và phương án di dời hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước, thông tin và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; đồng thời xác định hiện trạng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cần có sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan thông qua việc duy trì các buổi họp định kỳ để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương về mặt thủ tục pháp lý.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần thực hiện khẩn trương nhưng đúng luật định, có kiến nghị cụ thể để UBND tỉnh xem xét trình các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ giải quyết có tính khả thi cao. Các đơn vị thẩm định hồ sơ cần khẩn trương và ưu tiên giải quyết cho các địa phương để đảm bảo tính kịp thời. Hàng tháng duy trì họp Ban Chỉ đạo, để tăng cường sự phối hợp của các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc, phấn đấu đến 30-10-2019 hoàn thành việc bàn giao đất theo kế hoạch.