Mặt trận Tổ quốc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai và góp phần xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp, năm 2012, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết Kế hoạch số 2077/KHLT-MTTQ-STNMT phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong việc tuyên tuyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên và Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai thực hiện lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát động và xây dựng được 121 mô hình “Tổ nhân dân tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, 59 mô hình “Trồng cây xanh trong khu dân cư”, “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, 96 mô hình “Tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường”, “Thu gom rác thác”, 3 mô hình “Di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư”; vận động nhân dân trồng trên 50.000 cây xanh ở khu công cộng, đường làng và trong nhà dân, với tổng kinh phí hơn 340 triệu đồng, được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ và nhân dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) tham gia trồng cây xanh
tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Ảnh: V.M

Thông qua các mô hình, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm hơn, các khu dân cư đã thường xuyên tổ chức các hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường và triển khai đến tận hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Đồng thời kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư bằng những hành động thiết thực, cụ thể, cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hằng ngày để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình; tuyên tuyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vận động nhân dân gương mẫu giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ các hủ tục, thói quen lạc hậu, có hại và gây ảnh hưởng đến môi trường và sẵn sàng ứng phó với các tình huống của biến đổi khí hậu. Không sử dụng những vật tư, phương tiện, chất cấm có thể gây hại cho con người và môi trường trong kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi; thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh trong thôn, xóm. Khuyến khích mọi nhà trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh; thực hiện tốt việc ăn sạch, uống sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về môi trường; giám sát tốt việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Triển khai nhiều giải pháp tích cực, bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng và xã hội.

Trong thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính, chủ yếu là do chính con người gây ra. Nếu chúng ta không kịp thời nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường, thì những tác động nặng nề do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của mỗi con người chúng ta. Vì thế, bảo vệ môi trường không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân mà còn là văn hoá, đạo đức, tiêu chuẩn bảo đảm cho một xã hội văn minh, phát triển.