Mô hình trường học Bán trú dân nuôi:

Những mái trường thân thiện ở miền núi

Mô hình bán trú dân nuôi đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện phổ cập THCS và vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi.

Nhằm đảm bảo chất lượng và duy trì số lượng học sinh của các trường THCS miền núi nên mô hình bán trú dân nuôi được ra đời. Đúng như tên gọi với mô hình này, nhà trường sẽ có chỗ lưu trú đối với những học sinh có nhà xa trường, đi lại khó khăn. Tỉnh ta có 5 điểm trường thực hiện mô hình này tại các xã: Phước Tiến, Phước Tân, Phước Bình (Bác Ái), Ma Nới (Ninh Sơn) và Phước Kháng (Thuận Bắc). Qua nhiều năm thực hiện, mô hình này đã thể hiện rõ tính tích cực trong công tác giáo dục.

Trường THCS Ngô Quyền (Phước Tiến, Bác Ái) đang áp dụng mô hình bán trú dân nuôi
nhằm duy trì sỹ số và chất lượng học sinh.

Năm học 2008–2009, Trường THCS Phước Kháng (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc) được thành lập cũng là lúc trường tiếp nhận mô hình bán trú dân nuôi. Với 100 em học sinh, chia thành 5 lớp học, nhà trường phải vận động nguồn hỗ trợ từ phụ huynh và được Huyện đoàn Thuận Bắc đỡ đầu nên mô hình này được thực hiện rất tốt. Thầy Tài Dá, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Kháng cho biết: “Do nhà các em ở quá xa trường, có em ở thôn Suối Le phải đi bộ tới 35 km mới tới được trường nên khi được ở lại, lớp học duy trì được sỹ số, các em cũng chịu khó học hành hơn. Buổi tối nhà trường tổ chức cho các em sinh hoạt để dễ quản lý và để cho các em vơi bớt nỗi nhớ nhà!”. Hàng năm tới dịp nghỉ hè, trường còn tổ chức cho các em được đi tham quan tại Trường Dục Thanh (Bình Thuận), Viện Hải dương học (Nha Trang)…

Trường Phan Đình Phùng (Xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) áp dụng mô hình bán trú dân nuôi từ năm học 2004 – 2005, đến tháng 10– 2010, trường bắt đầu xây 7 phòng ở cho 51 em học sinh ở hai thôn Gia Hoa và Tà Nôi. Thầy Phạm Xuân Phụng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ninh Sơn cho biết: “Đây là mô hình rất có ý nghĩa trong việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục của tỉnh ta, đặc biệt đối với con em dân tộc thiểu số”.

Mô hình bán trú dân nuôi đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện phổ cập THCS và vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Hàng năm, Hội Khuyến học tỉnh vận động hỗ trợ 5 điểm trường có mô hình này bằng các quỹ học bổng: “mai vàng”, “lá xanh”…mô hình bán trú dân nuôi thực sự đã phát huy tính tích cực, biến ngôi trường trở thành “ngôi nhà”, duy trì được sỹ số lớp học và nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong nhiều mặt.