Xây dựng tổ chức Công đoàn ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới

Là tổ chức luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, trong suốt 9 thập kỷ qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với những vấn đề liên quan đến lao động ngày càng gia tăng, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên

Trải qua chặng đường vẻ vang 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được rèn luyện và vượt qua nhiều thử thách, các thế hệ công nhân và người lao động Việt Nam đã cần cù, không ngừng sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng chiến đấu và cống hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân, sự phát triển của phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn là một trong các nhân tố quyết định cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8-1945; là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc, có vai trò quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển giai cấp công nhân, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống. Đáng chú ý, Công đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.

 Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận tích cực thi đua lao động giỏi. Ảnh: Văn Nỷ

Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 4 năm liên tiếp từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.

Đặc biệt, công đoàn đã tổ chức hiệu quả các Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác, góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực thông qua việc cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”.

Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền giáo dục cũng tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức công đoàn; Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn. Năm 2018, tổng số lao động cả nước là trên 55 triệu người, trong đó có hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn.

Xây dựng tổ chức Công đoàn ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới

Được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, từ chỗ chỉ chiếm một số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ, ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng trước đây, tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò, vị thế của mình; và hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, vai trò đó lại càng phải được phát huy cao độ. Trước những biến đổi sâu sắc, nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và đất nước, nhất là trước tác động của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tổ chức công đoàn cùng với giai cấp công nhân và người lao động nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất mới.

Bối cảnh đó đang đặt ra những yêu cầu mới cho sứ mệnh và vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân và người lao động. Thực hiện tốt những đột phá chiến lược của Công đoàn Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; đổi mới mô hình tổ chức và công tác cán bộ công đoàn; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân viên chức lao động; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; tạo nguồn lực tài chính đủ mạnh để đổi mới tổ chức và hoạt động...

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Công đoàn Việt Nam-90 năm xây dựng và phát triển” (ngày 24-7-2019), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn chỉ rõ, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân; tạo động lực cho công nhân phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đổi mới hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn để nâng cao sức hấp dẫn, đoàn kết, vận động, tập hợp công nhân, mở rộng đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, đồng thời là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị Việt Nam.