Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh từng bước ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, được thành lập theo Quyết định số 3598-QĐ/TU, ngày 22-4-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Từ ngày 1-7, Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.

Sau khi hợp nhất, Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh hiện có 96 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong đó có 36 đảng bộ cơ sở (với 233 chi bộ trực thuộc) và 60 chi bộ cơ sở, với tổng số 3.435 đảng viên và gần 10.000 cán bộ (CB), công chức, viên chức và người lao động. Trong 96 TCCSĐ, về loại hình hành chính có 45 TCCSĐ, sự nghiệp có 12 TCCSĐ và doanh nghiệp (DN) có 39 TCCSĐ (trong đó có 15 DN nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước chi phối; 2 DN nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống và 22 DN tư nhân). Theo nhận xét của Thường trực Đảng ủy khối, phần lớn đội ngũ đảng viên trong đảng bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cao, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn; nhiều đồng chí giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, đầu ngành cấp tỉnh. Đây được coi là những yếu tố rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Theo đồng chí Hồ Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, sau khi sáp nhập, về cơ bản hệ thống chính trị không thay đổi tổ chức cơ cấu, chỉ có nhân sự được sắp xếp lại theo tinh thần Kế hoạch 92-KH/TU, Chương trình hành động số 181-CTr/TU của Tỉnh ủy về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cái được khi hợp nhất, trước hết là từ 2 đầu mối lãnh đạo cấp ủy chỉ còn 1 đầu mối, từ 6 thành viên Thường trực Đảng ủy còn lại 4 (hiện có 1 Bí thư, 3 Phó Bí thư), dự kiến đến năm 2020 (sau đại hội nhiệm kỳ 2020-2025) sẽ còn 3 thành viên. Trước đây, cả 2 đơn vị cũ có 18 phòng ban, nay hợp nhất lại còn 8 đầu mối phòng ban; từ 18 CB quản lý phòng ban, sau khi hợp nhất còn 8 CB quản lý. Từ 32 biên chế công chức, viên chức, sau khi ổn định còn 25 biên chế. Hiện nay Đảng ủy khối đã có dự thảo chương trình công tác, nhưng để tiếp tục thực hiện nghị quyết năm 2019 cần phải điều chỉnh phù hợp và ban hành hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Đảng ủy khối sau hợp nhất.

Cùng với những cái được vừa nêu, có thể thấy mặt thuận lợi là trước đó 2 đảng bộ khối cũ (Khối các cơ quan tỉnh và Khối Doanh nghiệp) đều có bộ máy hoạt động đồng nhất, giống nhau nên cấp ủy bây giờ dễ dàng nắm được công việc quản lý, lãnh đạo chung. Thuận lợi nữa là toàn bộ lực lượng CB đều có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng Đảng, có sự phối hợp tốt của lãnh đạo các đơn vị, cấp ủy các TCCSĐ; đặc biệt có sự hỗ trợ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có khó khăn nhất định, như ngoài các TCCSĐ ở các cơ quan tham mưu giúp việc của tỉnh, còn có các loại hình TCCSĐ DN trên địa bàn tỉnh, nên Đảng bộ có tính đặc thù với hệ thống TCCSĐ chính trị - kinh tế khác nhau nhưng không có bộ máy công tác Đảng như cấp huyện. Trong lãnh đạo, hiện vẫn có sự trùng lặp, chưa rõ ràng, nhất là trong khối các cơ quan như thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức CB.

Nhìn tổng thể về mặt tổ chức, điểm đáng nói là Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh đang dẫn đầu về số lượng TCCSĐ của tỉnh. Đầu năm nay, có dịp tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, chúng tôi được biết khi ấy toàn đảng bộ Khối có 57 TCCSĐ, trong đó có 25 đảng bộ cơ sở (gồm 154 chi bộ trực thuộc) và 32 chi bộ cơ sở, với tổng số 2.325 đảng viên và trên 4.800 CB, công chức, viên chức và người lao động. Nếu so với con số hiện tại của Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, đã tăng lên 39 TCCSĐ và thêm 1.110 đảng viên, khoảng 5.200 người lao động. Dễ thấy rằng với sự thay đổi đó, khối lượng công việc lãnh đạo, quản lý cũng tăng theo, trong khi cái khó là tất cả cấp ủy chi, đảng bộ cơ sở đều kiêm nhiệm chứ không có CB chuyên trách như loại hình khác.

“Trước thuận lợi và khó khăn trên, Ban Thường vụ Đảng ủy xác định trách nhiệm cao trong các bộ phận chuyên môn của các cấp ủy, quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng cấp trên giao về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị” - đồng chí Hồ Văn Hùng chia sẻ. Với quyết tâm đó, Đảng uỷ Khối và cấp ủy cơ sở tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng thật sự dân chủ, thiết thực. Cụ thể là tùy từng loại hình TCCSĐ cơ quan hoặc DN, Đảng ủy sẽ có cách tiếp xúc, lãnh đạo phù hợp, nhất là linh hoạt trong công tác kết nạp ĐV tại các DN.