90 năm Công đoàn Việt Nam: Thay đổi để đột phá

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Công đoàn Việt Nam có vai trò hết sức to lớn trong việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt Công đoàn Việt Nam đứng trước những thời cơ, thuận lợi cùng nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Những thách thức mới

Hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động vốn là những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, việc thực thi các Hiệp định tự do thế hệ mới dẫn đến việc xuất hiện các tổ chức công đoàn cạnh tranh, hay tính biến động của thị trường lao động, cũng như tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... đang đặt ra nhiều thách thức ngày càng khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, những vấn đề nội tại bản thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam về tư duy hoạt động, bộ máy tổ chức Công đoàn cũng đang có nhiều hạn chế, bất cập.

Đồng chí Bùi Văn Cường. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Tiến sỹ Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn khi trong thời gian tới người lao động có quyền tự nguyện tham gia hoặc không tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam. Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được thực thi, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập các tổ chức đại diện do họ tự lựa chọn. Đây là một thay đổi quan trọng đối với người lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, tổ chức đại diện của người lao động (tổ chức khác ngoài Công đoàn Việt Nam) không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị nên chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam trước hết mang sứ mệnh là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam, đồng thời là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, Công đoàn Việt Nam cần nhiều nguồn lực và công sức để có thể thực hiện tốt cả hai vai trò này.

Bên cạnh đó, ngoài thách thức về vị thế, sẽ có nhiều vấn đề pháp lý đặt ra cần quan tâm giải quyết thấu đáo. Đó là mối quan hệ giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam với tổ chức đại diện khác của người lao động trong doanh nghiệp, vị trí, vai trò của từng tổ chức. Bên cạnh quyền bình đẳng trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, một vấn đề mới cần quan tâm - đó là đặc thù giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác khi Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng áp lực về việc làm, hạn chế về nhận thức, cũng như năng lực tự bảo vệ của phần lớn người lao động luôn ở vị trí yếu thế, bất bình đẳng. Trong khi đó, công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện cho người lao động tại không ít doanh nghiệp, hoạt động chưa hiệu quả, tiếng nói thiếu mạnh mẽ, nhất là trong công tác đối thoại, thương lượng để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Vấn đề này thực sự là một thách thức lớn khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp

Để thể hiện vai trò đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Trước hết, bản thân tổ chức công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; kiên quyết khắc phục những phương pháp hoạt động xơ cứng và hiện tượng "hành chính hóa, Nhà nước hóa" trong tổ chức, hoạt động của mình; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, tập hợp, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững và tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động.

Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, người lao động phải trên cơ sở pháp luật. Ảnh có tính chất minh hoạ: Hoàng Tuyết

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn cho rằng doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả chính là sự bảo đảm cho lợi ích của người lao động. Do vậy, cán bộ, đoàn viên, công nhân, người lao động phải kết hợp chặt chẽ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, dân chủ và kỷ cương, kỷ luật. Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, người lao động phải trên cơ sở pháp luật, đồng thời có trách nhiệm vận động, tổ chức để công nhân, lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, muốn đổi mới thành công, điều quan trọng trước tiên là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, họ phải thực sự là thủ lĩnh của công nhân lao động, nhất là ở cấp cơ sở. Công đoàn các doanh nghiệp cần tập trung cho công tác thương lượng, đối thoại, mang lại phúc lợi và lợi ích thiết thực cho người lao động, phát động các phong trào nâng cao năng suất, lao động sáng tạo, chăm lo thiết thực đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, bảo vệ người lao động khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động và đình công.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, cán bộ công đoàn không chỉ là cán bộ công vận thuần túy, mà phải là một chuyên gia về thuyết phục, tư vấn, thương lượng, đối thoại và dẫn dắt người lao động. "Nếu không có sự thay đổi để bứt tốc mạnh mẽ về công tác chỉ đạo và đội ngũ thì Công đoàn khó có thể thực hiện được vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, bên cạnh những giải pháp trên, công đoàn cần đẩy mạnh chương trình xây dựng thiết chế công đoàn; chủ động giải quyết và phối hợp giải quyết các nhu cầu bức thiết của đoàn viên, người lao động về nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, chăm sóc con công nhân, an ninh trật tự nơi ở và nơi làm việc; tích cực tham gia việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đào tạo nghề, thay đổi nghề nghiệp khi cần và phát triển việc làm bền vững cho người lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Nhìn lại toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong việc xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những kết quả và thành tích đạt được của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, cần được chắt lọc, vận dụng và phát huy trong giai đoạn cách mạng mới. Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục thay đổi để tạo ra đột phá, xây dựng hệ thống công đoàn ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó...

Theo TTXVN/Báo Tin tức