Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019)

Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công

Nhằm khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sỹ, thương binh, người có công (NCC) với cách mạng, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 về ưu đãi với NCC, đồng thời lấy ngày 27-7 hằng năm là ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sỹ. Ngày Thương binh - Liệt sỹ là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua ngoài chính sách chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về công tác đền ơn đáp nghĩa; đồng thời phát động, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên khắp địa bàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực xã hội, cộng đồng cùng chung tay chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với NCC. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các chương trình chăm sóc thương binh, liệt sỹ và NCC đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn xã hội.

Đoàn viên - thanh niên trong tỉnh thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Nguyễn Thị Dọn, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M

Hiện nay, toàn tỉnh quản lý 31.370 hồ sơ NCC, trong đó có 3.704 hồ sơ trợ cấp thường xuyên, với kinh phí trên 7 tỷ đồng/tháng. Thông qua huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 3 cấp, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được 5.224 nhà tình nghĩa, số tiền trên 84 tỷ đồng; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, con liệt sỹ cô đơn, tàn tật, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động được nhận phụng dưỡng suốt đời (thấp nhất: 500.000 đồng/tháng, cao nhất 2.500.000 đồng/tháng). Ngoài ra, 100% đối tượng NCC được cấp thẻ BHYT và các chính sách thụ hưởng khác. Hằng năm, nhân các ngày lễ, tết, tỉnh trích ngân sách (bình quân 2,71 tỷ đồng/năm) để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng NCC với cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được triển khai có hiệu quả. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành và huyện, thành phố đã tổ chức quy tập đưa vào Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh, tổng số mộ đang quản lý tại nghĩa trang 1.092 mộ. Hiện toàn tỉnh có 1 Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh, 6/7 Đài tưởng niệm cấp huyện, 54/65 đơn vị, cấp xã, phường, thị trấn có Đài tưởng niệm, Bia ghi danh liệt sỹ... khang trang, ấm áp, đáp ứng tốt nhu cầu tình cảm, tâm linh… Nhờ đó, góp phần đưa đời sống của các hộ gia đình NCC được ổn định và từng bước cải thiện, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Được sự chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm chăm sóc của các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, NCC đã phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống cách mạng của gia đình, luôn nêu cao ý thức khắc phục khó khăn, tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực trong công tác, trở thành những gương điển hình tiên tiến; đồng thời nuôi dạy con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, trở thành người có ích cho xã hội.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và tập trung thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác NCC với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ NCC với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, công tác chăm sóc các đối tượng NCC, nhất là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, trợ giúp phương tiện đi lại. Tập trung xây dựng và phát triển Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời coi trọng việc phân bổ, sử dụng quỹ đúng quy định, thường xuyên công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng. Gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Tập trung giải quyết tốt các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, đảm bảo đời sống của các đối tượng NCC có mức bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân tại nơi cư trú; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho NCC với cách mạng. Đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ, chỉnh trang tu bổ, xây dựng mới các công trình ghi công liệt sỹ; đáp ứng tốt nhu cầu tình cảm, tâm linh; khắc phục và hạn chế thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các chính sách đối với NCC với cách mạng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình NCC, phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.