50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân

“Không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân” là một trong những lời dặn dò tha thiết của Bác trước lúc đi xa. Đây cũng chính là điều trăn trở khôn nguôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng vĩ đại của Người.

Nhất quán trong tư tưởng và hành động

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó không chỉ là khát khao, hy vọng mà còn là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành lại độc lập dân tộc đến hơn 20 năm ở vị thế một nguyên thủ quốc gia.

Ảnh minh họa.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, không có lợi ích nào khác ngoài mục tiêu phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà tận tâm, tận lực phục vụ, nên ở đâu và lúc nào cũng phải luôn rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân, theo Hồ Chí Minh, chính là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và thụ hưởng quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Vì thế, khi đất nước vừa giành được độc lập, Người cùng Chính phủ đã xác định rõ những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ lâm thời; trong đó việc chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân chủ; lương giáo đoàn kết... là những nội dung, biện pháp và bước đi quan trọng để từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cho đến cuối đời, Người vẫn còn nhiều trăn trở. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Là người hiểu rộng nghĩ sâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý về những nhiệm vụ của thời hậu chiến. Trong những trang Di chúc viết thêm năm 1968, Người đã căn dặn kỹ lưỡng mọi việc cần làm sau chiến tranh, mà trước hết đó là “công việc đối với con người”. Đây là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của tư duy người cách mạng suốt đời hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những yếu thế, dễ bị tổn thương.

Người dặn rằng, “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người”. Rồi đối với các liệt sĩ thì như nào, đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ phải giúp đỡ họ ra sao, Bác đều dặn dò rất kỹ.

Người cũng không quên nhắc đến những thành tích của những “chiến sĩ trẻ tuổi” và dặn dò “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”, vì “đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi CNXH ở nước ta”.

Với phụ nữ, Người mong muốn “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” thông qua việc “bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” và “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Người cũng quan tâm đến các “nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu” và dặn dò phải “giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Đặc biệt, Bác cũng biểu dương một lực lượng đông đảo, đã cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức làm nên cốt lõi và chủ lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là tầng lớp nông dân. Và đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân

Những điều Người dặn, những quyết sách Người cùng Đảng và Chính phủ nỗ lực thực hiện đã góp phần chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa và tiếp tục được thực hiện trong thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Và được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; thể hiện trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời song vật chất và tinh thần của nhân dân” như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo… Chính phủ đã đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020). Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… Đến nay, tỷ lệ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Việc xây dựng, thực hiện chính sách với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Những việc làm, như: phong tặng danh hiệu Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng”, xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”… trong những năm qua là sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự trường tồn, phát triển của dân tộc. Qua đó, không chỉ chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước chân chính cho thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Những thành tựu to lớn trên đã tạo nên sự thay đổi lớn cho diện mạo của đất nước, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, như lời dặn của Bác.

Theo TTXVN