Thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản

Số người chết lên đến hơn 1.700 người và khả năng còn tăng cao* Nổ tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1* Cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai

Một nhà máy ở vùng Xen-đai, đông-bắc Nhật Bản bị cháy do động đất. 

Theo các nguồn tin nước ngoài, số nạn nhân trận động đất gây sóng thần ở vùng biển phía đông-bắc Nhật Bản, ngày 11-3 tiếp tục tăng nhanh. Các quan chức tỉnh Mi-gia-gi thông báo, khoảng 10.000 người ở thị trấn Mi-na-ni-xan-ri-cư thuộc tỉnh này bị mất tích, chiếm hơn một nửa tổng số 17.000 dân của thị trấn. Các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm tung tích của những người này.

Theo những thống kê thiệt hại mới nhất, số người chết trong trận động đất có thể đã lên tới hơn 1.700 người và nhiều khả năng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới; phần lớn nạn nhân ở ba tỉnh là Phư-cư-si-ma, Mi-gia-gi và I-oa-tê. Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất ở ngoài khơi đảo Hôn-sư của Nhật Bản đo được là 8,9 độ rích-te, là trận động đất có cường độ mạnh nhất trong vòng 140 năm qua tại Nhật Bản. Ðộng đất đã gây sóng thần cao tới 10 m, cuốn trôi nhiều ô-tô, làm sập cầu, tàn phá các tòa nhà nằm dọc bờ biển gần tâm chấn. Văn phòng đối phó khẩn cấp động đất và Sở Cảnh sát tỉnh Mi-gia-gi cho biết, sáng 12-3, 1.300 người đã được sơ tán đến sân bay Xen-đai, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người đang mắc kẹt tại các trường mầm non, trường tiểu học, bệnh viện và các tòa nhà cao tầng ở hai thành phố duyên hải I-si-nô-ma-ki và Kê-xen-nu-ma thuộc tỉnh trên. Hãng tin Ki-ô-đô cho biết, 13.000 người đang mắc kẹt tại sân bay Na-ri-ta, 10.000 người mắc kẹt tại các ga của sân bay Ha-nê-đa và 711 chuyến bay nội địa đã bị hủy. Tính tổng cộng đã có khoảng 210.000 người dân thuộc năm tỉnh ở Nhật Bản phải sơ tán. Do ảnh hưởng của trận động đất dữ dội chiều 11-3 và các dư chấn, nhiều tuyến đường sắt ở Tô-ki-ô và các tỉnh phụ cận đã ngừng hoạt động. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, giao thông đường không cũng bị tê liệt. Hơn 900 chuyến bay bị hủy và 303 chuyến bay khác bị hoãn, khiến hàng chục nghìn người bị mắc kẹt tại nhiều sân bay. Trong lúc này, Nhật Bản tiếp tục hứng chịu các dư chấn sau động đất. Ngày 12-3, đã có thêm 15 dư chấn cường độ từ 5 đến 6,8 độ rích-te xảy ra ở các tỉnh ven biển phía đông nước này. 3 giờ 12 phút sáng 12-3 (giờ GMT) xảy ra trận động đất mới với cường độ 5,7 độ rích-te ngoài khơi bờ biển phía đông đảo Hôn-sư với tâm chấn ở độ sâu 24,5 km. Một dư chấn mạnh tới 6,0 độ rích-te làm rung chuyển tỉnh Phư-cư-si-ma vào hồi 22 giờ 15 phút ngày 12-3 (giờ địa phương).

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) kêu gọi người dân cảnh giác về khả năng xảy ra các dư chấn với cường độ có thể mạnh hơn 7,0 độ rích-te trong một tháng tới và có thể gây sóng thần. Ước tính thiệt hại về vật chất của thảm họa này có thể lên tới hàng chục tỷ USD.

Công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả tại các khu vực hứng chịu thảm họa thiên tai đang được Chính phủ Nhật Bản khẩn trương xúc tiến. Thủ tướng Nhật Bản N. Can đã đáp máy bay trực thăng tới hai tỉnh Phư-cư-si-ma và Mi-gia-gi để thị sát tình hình, đồng thời cử ngay 50.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, 300 máy bay và 40 tàu thuyền tham gia hoạt động cứu hộ cùng với các lực lượng cứu hộ, y tế. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu mười tập đoàn bán lẻ bảo đảm đủ nguồn cung nhu yếu phẩm hằng ngày và cung cấp nhanh cho người dân. Do vẫn còn cảnh báo sóng thần nên lực lượng cứu hộ Nhật Bản chưa thể tiếp cận được một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do động đất.

* Theo Ki-ô-đô, chiều 12-3, một vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng hạt nhân số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 tại tỉnh Phư-cư-si-ma làm bốn người bị thương. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Y. Ê-đa-nô cho biết, nhà chức trách khẳng định, có một vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 nhưng vụ nổ không xảy ra tại lò phản ứng số 1 của nhà máy này. Tại cuộc họp báo khẩn cấp, ông Y. Ê-đa-nô cho biết, Công ty điện hạt nhân Tô-ki-ô điều hành Nhà máy Phư-cư-si-ma đã xác nhận vụ nổ xảy ra hồi 3 giờ 36 phút chiều (giờ địa phương) thổi bay mái nhà và tường của tòa nhà có lò phản ứng số 1, song khoang thép chứa lò phản ứng không bị hư hại. Sau khi kiểm tra dữ liệu phóng xạ rò rỉ, cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho rằng, không có hư hại nghiêm trọng nào đối với khoang chứa lò phản ứng số 1. Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 là một trong số các nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận động đất mạnh 8,9 độ rích-te hôm 11-3. Nhà chức trách cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 2 sau khi hệ thống làm mát tại ba lò phản ứng của nhà máy này không hoạt động do tác động của động đất. Tất cả năm lò phản ứng, hai lò ở Nhà máy Phư-cư-si-ma số 1 và ba lò ở Nhà máy Phư-cư-si-ma số 2 đều được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Cả năm lò phản ứng này đã ngừng hoạt động sau trận động đất nêu trên. Sau vụ nổ, các kênh truyền hình địa phương đã cảnh báo người dân sống gần khu vực nhà máy ở trong nhà, tắt điều hòa nhiệt độ và không uống nước máy thẳng từ vòi. Những người đang ở ngoài đường được cảnh báo che chắn kín cơ thể và dùng khăn ướt che mũi. Khoảng 160 binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm thuộc Lực lượng Phòng vệ trên đất liền (GSDF) được trang bị các thiết bị và phương tiện chuyên dụng để đối phó thảm họa hóa chất đã được triển khai tại khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 để giúp sơ tán người dân địa phương. Thủ tướng N.Can đã chỉ thị các cơ quan chức năng mở rộng bán kính sơ tán người dân ra khỏi khu vực Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 và số 2 từ 10 km lên 20 km.

* Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đã có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất lịch sử ngày 11-3. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun tuyên bố LHQ sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản theo mọi khả năng có thể trong thời điểm khó khăn này, đồng thời cho biết sẽ huy động các đội cứu trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thảm họa sang Nhật Bản vào thời gian sớm nhất. Ðáp ứng đề nghị của Nhật Bản, Mỹ đã triển khai lực lượng quân sự đóng ở Nhật Bản hỗ trợ công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả của trận động đất; điều tàu sân bay Rô-nan Ri-gân cùng sáu tàu chiến khác tới các vùng biển Nhật Bản để hỗ trợ công tác cứu nạn. Các nước khác như Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Thái-lan, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po, Nam Phi,... đã đề nghị viện trợ bằng vật chất và cho biết sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản giải quyết hậu quả thiên tai.

Ngày 12-3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã gặp đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề nghị Chính phủ Nhật Bản quan tâm và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cho biết, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản hết sức quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ công dân Việt Nam và các công dân nước ngoài tại Nhật Bản như đối với công dân Nhật Bản.

Theo ND Online