Theo chân những người đi tìm đồng đội

Trong chiến tranh, Ninh Thuận là chiến trường ác liệt, có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Hiện nay, phần lớn các anh đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ, số còn lại được cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng và nhân dân địa phương nỗ lực tìm kiếm, quy tập, nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể đưa hết tất cả các anh cùng về chung trong đội hình đồng đội.

Trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh gặp phải không ít khó khăn. Trước hết là việc cung cấp thông tin về liệt sỹ còn hạn chế, do những nhân chứng lịch sử, những người cùng thời nắm chắc thông tin về liệt sỹ phần lớn đã qua đời, số còn lại tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm. Phần mộ các liệt sỹ chủ yếu nằm ở khu vực rừng núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, do thời gian qua lâu, mọi dấu tích, địa hình, địa vật gần như thay đổi hoàn toàn, khó xác định chính xác vị trí chôn cất ban đầu. Một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có phong tục bỏ mả, vì vậy việc thu thập, xác minh thông tin, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ càng khó khăn hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang tỉnh cùng thân nhân quy tập hài cốt liệt sỹ.

Xuyên suốt hành trình đi tìm, quy tập hài cốt liệt sỹ, dù đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Một ngày cuối năm 2018, có dịp theo chân các anh về xã vùng sâu Ma Nới (Ninh Sơn) để quy tập hài cốt Liệt sỹ Tà Yên Choa và Liệt sỹ Pờ Rô Thí, chúng tôi mới hiểu hơn về nhiệm vụ đặc biệt, tuy khó khăn vất vả nhưng rất thiêng liêng này. Kế hoạch đã lên, thời gan đã xác định, những cơn mưa cuối mùa kéo theo lũ xiết không thể ngăn cản được quyết tâm của các anh. Vượt qua dòng nước chảy xiết, qua những con dốc núi trơn trượt, qua những cánh rừng cây cối um tùm, cuối cùng đội quy tập cũng đến được vị trí ngôi mộ. Sau nửa ngày đào bới miệt mài, cẩn thận, tỷ mỷ, hòa mình trong đất, đá, nước mưa, cuối cùng việc cất bốc hài cốt của liệt sỹ cũng đã hoàn thành. Thiếu tá Nguyễn Thạc Trường, Trợ lý chính sách Ban Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Ninh Sơn nở nụ cười thật mãn nguyện trên khuôn mặt còn vương bụi đất và nước mưa. Còn Thiếu tá Ngô Thanh Tú, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Ninh Sơn chia sẻ: Công tác vận động gia đình vượt qua tục bỏ mả, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để đưa liệt sỹ về nghĩa trang mới là việc khó, thời gian qua Ban CHQS huyện đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương có nhiều biện pháp tuyên truyền, thực hiện rất hiệu quả công tác này.

Cuối tháng 5-2019 vừa rồi, chúng tôi lại có dịp đi cùng các đồng chí Ban Chính sách, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Thuận Nam quy tập hài cốt Liệt sỹ Chamaléa Doai tại núi Gà Gáy, thuộc thôn Giá, xã Phước Hà (Thuận Nam). Quảng đường từ trung tâm xã lên núi khoảng chừng 30-40 km, núi cao, vực thẳm, vách núi cheo leo. Đoàn công tác cùng thân nhân liệt sỹ hơn 10 người thức dậy từ 5 giờ sáng, rồi men theo suối ròng rã 2 ngày trời mới tới nơi. Đến địa điểm, dù ai nấy đều mệt nhoài nhưng hăm hở bắt tay ngay vào công việc. Cũng may, ngôi mộ này do gia đình chôn cất, hình hài dấu vết còn nguyên vẹn nên đào xuống là trúng ngay, không mất quá nhiều công sức. Anh Tâu Xá Chiến, con trai của liệt sỹ xúc động: Ama hy sinh nằm trong rừng sâu đã hơn 50 năm rồi, nay nhờ Đảng, Nhà nước và chỉ có các anh bộ đội mới có thể lặn lội ngày đêm, không quản ngại khó khăn đưa về nghĩa trang liệt sỹ.

Tâm sự về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Trung tá Nguyễn Đình Tám, Trợ lý chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Gần 20 năm làm công tác chính sách, tôi đã cùng các nhân chứng và đồng đội xác minh, trực tiếp cất bốc hơn 300 hài cốt liệt sỹ. Không phải cất bốc lần nào cũng đạt kết quả như các trường hợp nói trên. Có những ngôi mộ đào bới hàng ngày nhưng kết quả không như mong muốn, điều quan trọng là mình đã làm hết sức với tất cả tấm lòng, trách nhiệm và sự thành tâm nên cảm thấy nhẹ lòng.

Không chỉ riêng hai địa điểm nói trên, mặc cho rừng thiêng, nước độc, đường sá, suối, đèo cách trở, điều kiện thiếu thốn, khó khăn…, nhưng những cán bộ chiến sĩ làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vẫn luôn đau đáu trong mình một nỗi niềm; luôn xác định đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, phải cố gắng hết mình để sớm đưa đồng đội về với quê nhà. Đó chính là để tri ân những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, đồng thời góp phần thắp lên niềm tin, hy vọng, xoa dịu sự đau thương, mong ngóng của người thân, gia đình liệt sỹ.