Ngân hàng Chính sách xã hội: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từ năm 2014 đến nay, cùng với thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi chung, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh còn triển khai các chương trình cho vay đặc thù dành cho người DTTS như: Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động theo Quyết định số 755/QĐ-TTg; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg...

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Tỉnh ta hiện có 65 xã, phường, thị trấn, dân số khoảng 700 ngàn người. Trong đó, có 37 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi; 15 xã, 17 thôn khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Cộng đồng dân cư gồm có 36 dân tộc, trong đó dân tộc Chăm chiếm 11,9%, dân tộc Raglai chiếm 10,4%, còn lại là các dân tộc khác. Qua triển khai các chương trình cho vay đã có hơn 15.660 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là người DTTS được vay vốn với số tiền trên 675 tỷ đồng. Riêng cho vay theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có 2.538 hộ với số tiền vay 63,395 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 30-6-2019 đạt trên 696,6 tỷ đồng, chiếm 32,8% so với tổng dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng đạt 87,9%, với 30.753 món vay còn dư nợ.

Nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi bò, chị Vi Môn Thị Hai,
dân tộc Raglai, ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước) đã thoát nghèo.

Ngoài các chương trình cho vay nói trên, trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6-2019, Ngân hàng CSXH tỉnh còn phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các đơn vị, địa phương trong tỉnh hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 574 lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo; giải quyết cho hơn 5.000 hộ vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt công trình nước sạch với số tiền hơn 43 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho 1.338 lượt gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền hơn 43,7 tỷ đồng để trang trải chi phí học tập. Giúp 5.562 hộ ở 27 xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền 158,9 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 585 hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ với số tiền 14,5 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, mặc dù kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với hộ đồng bào DTTS giai đoạn 2014-2019 đạt nhiều kết quả tích cực, giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người DTTS sau chu kỳ vay vốn tình trạng nghèo vẫn tái diễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trước hết do khả năng tiếp cận với các phương tiện để nâng cao nhận thức của bà con DTTS còn hạn hẹp. Một số nguyên nhân khác đó là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, phong tục tập quán sản xuất của đồng bào DTTS còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, ít ứng dụng khoa học, công nghệ cao… Trong khi đó, một số xã, phường, thị trấn, chính quyền chưa tích cực vào cuộc nắm bắt chỉ đạo giải quyết những tồn tại trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, góp phần cùng tỉnh thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị truyền thông như: Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng CSXH để đồng bào DTTS chủ động vượt qua khó khăn, trở ngại về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 để phối hợp các ngành có liên quan, tích cực tham gia một số giải pháp, đặc biệt là nội dung “Giảm nghèo và an sinh xã hội” nhằm tạo cơ sở, bước đi vững chắc trong việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo theo từng giai đoạn, phù hợp với từng vùng, từng địa bàn, từng địa phương.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh kiến nghị, đề xuất Ngân hàng CSXH Trung ương xin Chính phủ cho đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình, dự án thoát nghèo trong đồng bào DTTS; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng đồng bào DTTS và miền núi với vùng phát triển, nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS để phổ biến, tuyên truyền, vận động đồng bào mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh cũng như nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.