Quỹ hỗ trợ nông dân: Điểm tựa vững chắc cho nông dân

Từ nhiều năm nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh là một trong những nguồn tín dụng quan trọng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập. Nhờ được vay vốn từ Quỹ HTND, nhiều gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao.

Từ nguồn Quỹ HTND tỉnh, đầu năm 2019, 12 hộ nuôi hàu tại xã Tri Hải (Ninh Hải) đã được hỗ trợ vay vốn 240 triệu đồng (20 triệu/hộ) để đầu tư làm lồng bè, mua con giống, phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn ban đầu cùng với việc chăm sóc đúng kỹ thuật nên đến nay sản lượng thu hoạch khá, bình quân xuất bán ra thị trường từ 30-50 tấn/tháng. Chị Thái Thị Quế, ở thôn Tri Thủy 1 chia sẻ: Nguồn vốn từ Quỹ HTND đã hỗ trợ rất kịp thời để gia đình đầu tư nuôi hàu. Đến thời điểm hiện nay, đã thu hoạch được vụ đầu tiên, trọng lượng bình quân từ 8-9 con/kg, với giá bán bình quân 17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 25 triệu đồng.

Nhờ nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, chị Thái Thị Quế, thôn Tri Thủy 1,
xã Tri Hải (Ninh Hải) đã đầu tư nuôi hàu đem lại thu nhập khá cho gia đình.

Với ưu điểm là tiến độ giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, những năm qua Quỹ HTND đã hỗ trợ kịp thời cho hàng trăm hộ nông dân trong tỉnh vay để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ nguốn vốn này, nhiều mô hình, dự án phát triển nông nghiệp đã được hình thành và có bước phát triển khá, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, liên kết giữa các hộ có chung ngành nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án. Điển hình như dự án trồng và cải tạo vườn măng tây xanh ở xã An Hải (Ninh Phước), xã Xuân Hải (Ninh Hải); mô hình nuôi cá bóp ở xã Thanh Hải (Ninh Hải); mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn)... Ngoài ra còn có một số dự án trồng trọt kết hợp dịch vụ tham quan du lịch như dự án trồng và cải tạo vườn nho ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); trồng cây ăn trái kết hợp đầu tư du lịch miệt vườn ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Đặc biệt, một số dự án như: Nuôi heo đen ở xã Bắc Sơn (Thuận Bắc); nuôi dê sinh sản xã Phước Trung (Bác Ái) các hộ vay hầu hết đều là người dân tộc, nhận thức còn hạn chế, tuy nhiên từ khi tiếp cận được nguồn vốn, được sinh hoạt trao đổi thông tin, được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, bà con đã chuyển đổi nhận thức, biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm cùng hỗ trợ nhau về kiến thức và thực hiện đúng quy trình sản xuất để đem lại hiệu quả cao theo mục tiêu của dự án.

Theo thống kê của Quỹ HTND tỉnh, từ đầu năm đến nay Quỹ đã tổ chức giải ngân vốn vay số tiền trên 4 tỷ đồng cho 142 hộ vay, trong đó (vốn Trung ương 1 dự án với số tiền 360 triệu đồng cho 12 hộ; vốn tỉnh 14 dự án với số tiền 3,6 tỷ đồng cho 130 hộ vay). Dư nợ cho vay đến nay trên địa bàn tỉnh đạt gần 18 tỷ đồng, giải quyết cho 675 lượt hộ vay để thực hiện 61 dự án. Trong đó, dự án đầu tư cho trồng trọt có 13 dự án, chăn nuôi có 39 dự án, nuôi trồng thủy, hải sản có 5 dự án và ngành nghề khác có 4 dự án. Có 11 dự án kết thúc chu kỳ vay vốn, số tiền phải thu hồi trên 3,5 tỷ đồng. Để thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo các hộ vay sử dụng đầu tư có hiệu quả đúng nội dung dự án được phê duyệt, Ban quản lý Quỹ HTND tỉnh thường xuyên, giám sát việc triển khai thực hiện. Đối với các dự án nợ quá hạn hoặc gặp rủi ro trong quá trình thực hiện, Ban quản lý Quỹ theo dõi sát sao, thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội làm việc với Đảng uỷ, chính quyền địa phương để nắm tình hình thu hồi vốn và kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp đối với những khó khăn, vướng mắc của hội viên nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng ban quản lý Quỹ HTNT tỉnh cho biết: Để nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng, Hội Nông dân tỉnh và cấp cơ sở luôn lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả khi, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đồng thời Ban quản lý Quỹ đã chủ động kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Để Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian tới Ban quản lý Quỹ sẽ đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, đồng thời thường xuyên nhắc nhở các hộ trong dự án thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng vốn đúng mục đích và tổ chức sinh hoạt thường xuyên để nâng cao kiến thức sản xuất.