Liên kết sản xuất và câu chuyện chất lượng hàng nông sản

Ngày 5-7 vừa qua, 8 doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông sản đã ký hợp đồng tiêu thụ nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, lúa cho 8 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở ra cơ hội mới để phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện khối lượng hàng nông sản thiếu ổn định, chất lượng thấp đang là nỗi lo của các doanh nghiệp.

Công ty TNHH TM-DV Bảo Ngọc - Sài Gòn có trụ sở đóng tại số nhà 32, đường Kha Vạn Cân, phường Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhiều năm liền giữ chữ tín trong thực hiện cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm nho, táo, hành, tỏi, ớt, nha đam, măng tây xanh của các hộ ở các xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải), Phước Thuận, An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Thông qua hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng nông sản của những địa phương trên đã có mặt trong hệ thống siêu thị toàn quốc. Nỗ lực của doanh nghiệp trong thiết lập mạng lưới phân phối sản phẩm đã nâng tầm thương hiệu, sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Hán Dương Phú, Giám đốc Công ty, hạn chế từ sản xuất nhỏ lẻ của nông dân trong tỉnh không tạo ra được lượng hàng hóa ổn định cung cấp thường xuyên cho thị trường, sản phẩm táo, nho tồn dư thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà con ảnh hưởng đến uy tín của nông sản tỉnh Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Văn Mọi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân SX TM&DV Ba Mọi
(người thứ 2 từ bên phải qua) luôn chú trọng chất lượng sản phẩm nho. Ảnh: Văn Nỷ

Trước xu thế ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội lớn để mặt hàng nông sản của tỉnh xâm nhập vào các thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng cùng với đó là những thách thức, khó khăn, các mặt hàng nông sản sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn về chất lượng trước khi được các nhà phân phối tiếp nhận. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh đang rất lo trước tình trạng một bộ phận nông dân sản xuất chưa tuân theo quy trình sạch. Ông Nguyễn Văn Mọi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân SX TM&DV Ba Mọi, trăn trở: Chỉ cần các hộ thực hiện cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 7 ngày là sản phẩm đảm bảo chất lượng, dễ dàng vào được các thị trường khó tính, nhưng không phải hộ nào cũng tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác. Ý thức của nông dân chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, dẫn đến nhiều lô hàng kém chất lượng bị các siêu thị trả lại, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Cùng chung nỗi niềm, anh Vũ Mạnh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã DV NN Măng tây xanh Lợi Hải, cho biết: Đơn vị đang gặp khó khăn trong kiểm tra chất lượng hàng nông sản, nhất là măng tây xanh mua của một số hộ có mức độ tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép. Để hoạt động liên kết sản xuất đảm bảo tính bền vững, đề nghị ngành chức năng, các địa phương quy hoạch vùng cây trồng tập trung, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất một cách đồng bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sau một thời gian thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bên cạnh đạt được những kết quả ban đầu, sản xuất ở một số địa phương chú trọng nghiêng về số lượng, nhưng chất lượng thì giảm, giá cả vì thế cũng đi xuống, đối mặt với nhiều rủi ro. Dự báo trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn do giá nông sản đang có dấu hiệu chững lại. Nếu nông dân không thay đổi tư duy và cách thức sản xuất, đặc biệt là không chú trọng đến nâng cao chất lượng, thì đầu ra của hàng nông sản vẫn còn chật vật.