Mặt trận huyện Bác Ái: Vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Bác Ái là huyện miền núi nghèo, có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn; một số hủ tục, tập quán cũ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức và hành động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của đồng bào dân tộc địa phương.

Từ thực tế trên, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái đã phối hợp với chính quyền và các Tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đồng chí Trần Hữu Đức, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái cho biết: Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, gắn với xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu tại địa phương; nổi bật như mô hình “Làm chuồng trại nhốt gia súc, gia cầm”, “Sử dựng hố xí hợp vệ sinh”, “Trồng cây xanh ở khu dân cư”... Qua đó, đã vận động các hộ dân xây dựng 500 chuồng nhốt bò, trên 200 chuồng nuôi nhốt heo đen tại 9/9 xã, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Trồng và chăm sóc 75 ngàn cây xanh tạo bóng mát, cảnh quan xanh - sach - đẹp ở nơi công cộng và trong các khu dân cư trên địa bàn các xã Phước Đại, Phước Trung, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Chính. Vận động đồng bào các dân tộc địa phương tích cực tham gia bảo vệ, phòng ,chống cháy rừng; ký cam kết không phá rừng làm rẫy, không khai thác và tiếp tay cho các đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, ăn chín, uống sôi, ngủ mùng, vệ sinh gia đình sạch sẽ, phát quan bụi rậm, không để nước thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. 

Bên cạnh đó, các Tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Phụ nữ huyện đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia phong trào 3 sạch: Sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ, kết hợp làm chuồng trại nhốt gia súc, gia cầm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Sọt rác gia đình” tại 9/9 xã trong toàn huyện; hay mô hình phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny lon tại thôn Suối Rớ, xã Phước Chính được đông đảo hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng. Hội Nông dân huyện vận động 170 hộ gia đình hội viên nông dân tham gia đảm nhận thực hiện mô hình “Tuyến đường xanh - sạch- đẹp” tại các xã Phước Tân, Phước Trung với tổng chiều dài trên 4 km; hay mô hình “Hố rác gia đình” tại xã Phước Thắng, mang lại hiệu quả tích cực. Huyện đoàn Bác Ái đã vận động hàng trăm lượt đoàn viên - thanh niên tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quan bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tiêu hủy rác thải, gìn giữ cảnh quan môi trường địa phương; đồng thời đảm nhận thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” tại xã Phước Thắng và Phước Trung, với tổng trị giá trên 20 triệu đồng. 

Mặt trận huyện Bác Ái tích cực vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ảnh: V.Miên

Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Bác Ái còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, điều kiện đất đai và thời tiết khô hạn. Như vận động đồng bào chuyển một phần diện tích trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng phù hợp với thời tiết khô hạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi các loại hoa màu ngắn ngày. Thông qua Đề án “Hỗ trợ đồng bào Bác Ái giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” và Chương trình “Bò giống giúp người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã hỗ trợ 600 con bò cái giống sinh sản và tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăn muôi bò sinh sản cho 350 hộ nghèo tại các xã Phước Đại, Phước Tân, Phước Bình, Phước Chính, Phước Thắng. Từ nguồn quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ các cấp và vận động các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh, đã hỗ trợ 1.000 bình nước uống, 4.350 can đựng nước, tặng trên 140 ngàn suất quà cho, gạo cứu đói giáp hạt cho đồng bào vùng khô hạn, xây mới và sửa chữa nhà cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra... với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt Ma Lâm (Phước Tân), Gia É (Phước Bình) và đào 2 hồ chứa nước phục sản xuất tại xã Phước Thành, với tổng trị giá 500 triệu đồng. 

Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Bác Ái trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trong huyện về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.