Ngành Nông nghiệp Hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 7%

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ, bằng 50% kế hoạch đề ra. Trước thực tế tốc độ tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nghiêm túc phân tích, tìm nguyên nhân dẫn đến hạn chế, đề ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2019, với quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6-7%.

Những kết quả đạt được

Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019, Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo sản xuất đạt được nhiều kết quả. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, giải pháp chuyển đổi cây trồng cạn để đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. So với những năm trước, chương trình chuyển đổi cây trồng gần đây có chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung có sự liên doanh, liên kết trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

Theo kế hoạch, năm 2019 toàn tỉnh chuyển đổi 1.500 ha cây trồng, thì đến nay đã thực hiện được hơn 690 ha, đạt 46% kế hoạch; trong đó, vụ đông - xuân hơn 582 ha, vụ hè - thu 108 ha. Công tác xây dựng cánh đồng lớn được nâng lên tầm cao hơn, với việc chú trọng ứng dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser tiết kiệm được lượng nước tưới, phân bón đáng kể, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng. Toàn tỉnh đã thực hiện 21 cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.673 ha; trong đó, triển khai mới 7 cánh đồng và tiếp tục duy trì 14 cánh đồng. Góp phần vào tăng trưởng chung còn có lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, đặc biệt là khai thác thủy sản đạt 50.507 tấn, tăng 0,9%; sản lượng sản xuất tôm giống đạt hơn 16,6 tỷ con, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở xã An Hải (Ninh Phước) đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Nửa năm 2019 có bứt phá trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình hiệu quả như trồng nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bao trái cây được nhân rộng. Hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 9 dự án nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, có những dự án đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, như Dự án phát triển vùng nghiên liệu nho rượu ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận; Dự án đầu tư khu sản xuất, kinh doanh tôm giống, tôm bố mẹ công nghệ cao tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) và xã An Hải (Ninh Phước) của Công ty TNHH Việt Úc. Dự án phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech tại xã Phước Tiến (Bác Ái) đã đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống tạo nguồn nước, hệ thống tưới, bón phân tự động phục vụ sản xuất 12 ha bưởi da xanh; đồng thời, tiến hành liên kết đầu tư mô hình nhà lưới trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu.

Tạo đà tăng trưởng

Các mô hình sản xuất mới tạo ra giá trị gia tăng được nhân rộng theo lý thuyết là phải đóng góp lớn vào tăng trưởng chung, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 đạt thấp so với kế hoạch khiến cho nhiều người nhầm tưởng có mâu thuẫn. Giải thích sự “trái chiều” này, đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng là do tác động của giá cả các mặt hàng nông sản giảm, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động biển đã ảnh hướng lớn đến nghề khai thác hải sản. Trên thị trường, giá tôm thương phẩm giảm 10-15 ngàn đồng/kg, giá mía giảm 180 ngàn đồng/tấn, giá lúa giảm 300-500 đồng/kg khiến cho nông dân không dám đầu tư mở rộng sản xuất, diện tích gieo trồng vụ đông - xuân chỉ bằng 98,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: V.Miên

Mặc dù không thiếu nước tưới, nhưng do tác động của thời tiết sau đợt nắng nóng kéo dài xuất hiện mưa đúng vào thời điểm bắp trổ cờ ảnh hưởng đến năng suất giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng một số cây trồng khác cũng giảm, cụ thể: mía giảm 7,2%, rau các loại giảm 9%, đậu các loại giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm, “điểm tối” nhất phải nhắc đến là lĩnh vực chăn nuôi lợn do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên thị trường tiêu thụ, giá bán thịt lợn giảm, đã xảy ra tình trạng nhiều chủ trang trại “bán tháo”, giảm đàn 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước những thách thức đang đặt ra với ngành Nông nghiệp, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6-7%, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương từ nay đến cuối năm 2019 cần thúc đẩy những ngành, lĩnh vực đang có lợi thế để bù đắp cho các thiếu hụt, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành trong năm nay. Muốn bứt phá vươn lên, phải có nhân tố mới để tạo ra giá trị gia tăng; trong đó, chú trọng triển khai, nhân rộng cánh đồng lớn; thực hiện các chương trình nông nghiệp, nông thôn với mô hình mới, yếu tố mới giúp sản xuất đạt năng suất, chất lượng, giá thành cao hơn.