Thuận Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Thuận Nam đúng hướng. Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng. Đó là nhận định của đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp triển khai chương trình công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

Công nghiệp và xây dựng bứt phá ngoạn mục

Từ đầu năm đến nay, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi, huyện Thuận Nam gặp một số khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thu ngân sách, giải quyết những tồn tại vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai nhiều dự án, tạo được những kết quả nhất định. Tổng giá trị sản xuất các ngành hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 71,2% kế hoạch; trong đó, nông, lâm, thủy sản 1.829 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 2.513 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50%; thương mại - dịch vụ 672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế toàn xã hội 8.435 tỷ đồng, vượt 237% kế hoạch. Thu ngân sách ước thực hiện hơn 40 tỷ đồng, đạt 100% dự toán tỉnh giao, tăng 150% so với cùng kỳ. Giải quyết việc làm mới cho 1.331 lao động, đạt 82% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhộn nhịp mua bán hải sản trên Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Căn cứ vào con số thống kê, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 50% tổng giá trị sản xuất toàn ngành đã chứng minh nhận định của đồng chí Chủ tịch UBND huyện là có cơ sở. Dễ nhận thấy từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư vào huyện Thuận Nam rất mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, cảng biển. Thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, Thuận Nam làm rất tốt công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường và xây dựng. Hoàn chỉnh và thực hiện công bố, công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 và Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020 của huyện theo quy định. Thẩm định, ban hành quyết định thu hồi hơn 223 ha đất của 167 hộ với kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 96 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án điện mặt trời, điện gió, nông nghiệp công nghệ cao.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhẹ

Để đạt mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bên cạnh chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, huyện đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược ngành kinh tế biển. Từ đầu năm đến nay, các phòng, ban, UBND các xã thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, khắc phục việc khai thác hải sản bất hợp pháp; duy trì, củng cố phát triển Tổ đoàn kết đánh bắt thuỷ sản; tập trung thành lập Nghiệp đoàn đánh bắt cá cơm Cà Ná. Tiếp tục thực hiện chính sách thủy sản, đến nay đã trình tỉnh phê duyệt 1 dự án đóng mới tàu cá theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nỗ lực của huyện là đáng ghi nhận, tuy nhiên do tình hình ngư trường không thuận lợi, nên sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm là 32.728 tấn, đạt 39% kế hoạch và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nuôi trồng thủy sản cũng đang chững lại do môi trường mặt nước bị ô nhiễm, dịch bệnh, giá tôm thương phẩm thấp. Diện tích thả nuôi trong 6 tháng là 177 ha, giảm 12,6%%; sản lượng đạt 1.931 tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân xã Phước Dinh chuyển ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi ốc hương cho thu nhập cao.

Đối với trồng trọt, tình hình có khả quan hơn, diện tích gieo trồng đạt 4.151 ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Đáng kể là, huyện đã tập turng chỉ đạo sản xuất ứng phó với nắng hạn có hiệu quả. Từ thành công trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao đã đưa ngành Nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới, theo hướng bền vững. Theo báo cáo của UBND huyện, trong vụ đông- xuân và hè - thu năm 2019, các xã trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích hơn 412 ha; trong đó, Phước Nam 160 ha, Phước Ninh 143,4 ha, Nhị Hà: 118,6 ha. Chuyển đổi cây trồng cạn với diện tích 158 ha, đạt 54,5% kế hoạch năm.

Nhìn ở góc độ tổng thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế của huyện Thuận Nam có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất các ngành đều tăng trưởng khá, riêng chăn nuôi gặp khó khăn do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, dẫn đến quy mô tổng đàn gia súc giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 109.600 con. Điều này đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho địa phương ở thời gian tới là trong tiến trình xây dựng huyện thành Khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, triển khai các dự án năng lượng tái tạo phải gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất đảm bảo tính bền vững.