Hiệu quả từ Công trình mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi

Công trình mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi thuộc Dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận đã được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong vùng dự án ở khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải. Qua đó giúp người dân an tâm lao động, sản xuất, góp phần làm diện mạo đô thị thêm khởi sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Ông Đỗ Khoa Danh, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các Dự án ODA ngành nước tỉnh cho biết, Công trình mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi là thí điểm của dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu của tỉnh. Công trình có tổng chiều dài 7,2 km, tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, trong đó, vốn không hoàn lại của Chính phủ Bỉ tài trợ là 130 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 50 tỷ đồng. Qua khảo sát thực địa chúng tôi được biết, điểm đầu của công trình tại thôn Công Thành, xã Thành Hải, đi qua phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), điểm cuối là khu vực Đầm Nại thuộc thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Toàn tuyến kênh chia làm 5 đoạn, trong đó, tổng chiều dài kênh được gia cố 6,7 km. Trên 2 bờ kênh làm đường quản lý kết hợp dân sinh, với mặt đường được bê tông xi măng. Bờ kênh phải rộng 3 m, bờ kênh trái rộng 5 m; được trồng cây xanh với mật độ 8m/cây để tạo cảnh quan. Đồng thời, bổ sung làm mới 4 cầu qua kênh phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân như: Cầu Công Thành, Xóm Chiếu, cầu trên Tỉnh lộ 704, cầu qua kênh tại Km5+951; xây dựng hệ thống điện với chiều dài 5,7 km từ đầu thôn Công Thành đến cầu 704 nhằm phục vụ cứu hộ cứu nạn. Dọc theo chiều dài công trình, bổ sung 46 cống tiêu; 3 xi phông, 3 bến tắm, xây mới cụm điều tiết cuối kênh… Qua đó, giúp cho hơn 200 ngàn người dân đô thị vùng hạ lưu sông Dinh và 2.682 ha lưu vực được giải quyết tình trạng ngập lụt, góp phần cải tạo môi trường và bảo đảm cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, dự án góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi trong vùng, làm cho đời sống người dân từng bước được cải thiện, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các điều kiện tự nhiên như trước kia.

Một góc Công trình mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi.

Ông Nguyễn Văn Công, ở khu phố 6, phường Văn Hải chia sẻ: Người dân chúng tôi sống khu vực kênh Cầu Ngòi này đã mấy chục năm nay, nguồn thu nhập chính chủ yếu là trồng lúa, nho, táo. Hằng năm, cứ vào mùa mưa, lũ, toàn bộ cánh đồng ngập nước kéo dài cả tháng mới rút nước, gây thiệt hại hoa màu, tài sản rất lớn cho người dân. Từ khi chúng tôi biết tin được tỉnh quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi để chống ngập úng cục bộ, giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định đời sống, chúng tôi rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hiến đất để thi công công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành Công trình mở rộng và kiên cố hóa kênh Cầu Ngòi vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện dự án của Chính phủ Vương quốc Bỉ; đồng thời ghi nhận, biểu dương Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các Dự án ODA ngành nước tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, nhà thầu và sở, ngành, địa phương có liên quan, nhất là sự đóng góp tích cực, đồng tình ủng hộ của người dân địa phương để thi công, hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trong thời gian 11 tháng. Đồng chí nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường của địa phương, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế phía Bắc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Do đó, để khai thác lâu dài, hiệu quả công trình kênh Cầu Ngòi, đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các Dự án ODA ngành nước tỉnh và nhân dân vùng dự án phải có biện pháp giữ gìn, bảo vệ các công trình trên kênh như: đường hai bên kênh, khu vực xung quanh, không lấn chiếm bờ kênh, không cho xe vượt quá trọng tải đi vào đường kênh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư và phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân cũng như đáp ứng mục tiêu sử dụng lâu dài của dự án.