OPEC và các đối tác nỗ lực duy trì ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ thế giới

Cùng với động thái nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tới tháng 3-2020, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã ký thỏa thuận hợp tác mới với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới, trong đó có Nga. Đây được coi là nỗ lực của OPEC và các đối tác nhằm duy trì ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ vốn đang bị tác động mạnh trước sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ.

Duy trì ảnh hưởng

Trong cuộc họp nhóm OPEC+ (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Kazakhstan, Malaysia và Mexico) ngày 2-7 tại Vienna (Áo), OPEC đã ký thỏa thuận hợp tác mới với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới, trong đó có Nga. Ngoài việc OPEC chính thức ký thỏa thuận hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, OPEC+ cũng nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3-2020.

Trước đó, ngày 1-7, OPEC tuyên bố nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3-2020. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại trụ sở OPEC ở Vienna (Áo), Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo nói: “Chúng tôi vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận gia hạn thêm 9 tháng mức khai thác dầu như hiện nay”.

Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo (giữa) phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị
lần thứ 176 của OPEC và hội nghị lần thứ 6 các nước trong và ngoài OPEC ở Vienna, Áo.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu đi kéo theo nhu cầu năng lượng có xu hướng giảm và sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt, có thể thấy việc OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu là một nỗ lực nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, OPEC cũng muốn kiểm soát nguồn cung dầu của thế giới để đối phó với tình trạng dư nguồn cung trên thị trường. Với quyết định của mình, OPEC muốn đảm bảo rằng, các nước thành viên có được một mức giá bán dầu hợp lý và việc hợp tác với các đối tác ngoài tổ chức vào thời điểm này được coi là giải pháp tối ưu.

Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay với sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 4 đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 12,16 triệu thùng/ngày, việc OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tới tháng 3-2020 và ký thỏa thuận hợp tác mới với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác trên thế giới, trong đó có Nga sẽ giúp OPEC cũng như OPEC+ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và củng cố vai  trò chi phối trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Phản ứng trước diễn biến trên, trong phiên giao dịch chiều ngày 2-7, giá dầu thô châu Á tăng cao hơn 1 USD/thùng. Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 9-2019 tăng 1,72 USD (2,7%) lên 66,46 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao trong phiên là 66,63 USD/thùng.

Tính tới sáng sớm 3-7 theo giờ Hà Nội, dầu Brent được giao dịch ở mức trên 65USD/thùng, trong khi giá dầu WTI dao động quanh mức gần 59USD/thùng. Giới phân tích dự báo, các quyết định của OPEC+ có thể sẽ đẩy giá dầu vượt mức 68USD/thùng trong thời gian tới.

Vai trò của OPEC, Saudi Arabia và Nga

Trên thực tế, OPEC và các đối tác, với Saudi Arabia và Nga đóng vai trò chủ chốt, luôn khẳng định rằng việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng, một mức giá được cho là hợp lý đối với hầu hết các nhà xuất khẩu dầu và có thể giúp khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường năng lượng, ngăn chặn nguy cơ tái diễn tình trạng mất cân đối trên thị trường.

OPEC và các đối tác chủ chốt ngoài khối đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1-1-2019 và duy trì trong 6 tháng, nhằm giữ giá “vàng đen” và ngăn chặn tình trạng dư cung trên thị trường.

Với Saudi Arabia, dù không phải là thành viên của OPEC, và cũng không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, song Mỹ đã yêu cầu Riyadh bơm thêm dầu để bù đắp cho lượng dầu xuất khẩu giảm từ Iran sau khi Tehran bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia cũng chịu sức ép trực tiếp từ đồng minh Mỹ trong vấn đề giá dầu. Trong các cuộc phỏng vấn thời gian qua, Tổng thống Donald Trump đã bình luận công khai về giá dầu và vai trò của OPEC và Saudi Arabia. Qua những thông điệp này, ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy sự ủng hộ đối với giá dầu tiêu chuẩn ở mức dưới 70 USD/thùng.

Tuy nhiên, như nhận định của chuyên gia Black Gold Investors, ông Gary Ross: “Saudi Arabia đang nỗ lực hết sức có thể khiến giá dầu đạt mức 70 USD/thùng bất chấp mong muốn của ông Trump”. Bởi dễ dàng nhận thấy nhu cầu đưa giá dầu vượt ngưỡng 70 USD/thùng nằm trong chiến lược kinh tế-chính trị của Saudi Arabia nhằm củng cố ngân sách của chính phủ, đầu tư cho những kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế và giúp bù đắp cho cán cân thanh toán quốc gia, cũng như củng cố vị thế tài chính.

Cùng với Saudi Arabia cũng cần nhắc tới vai trò nổi bật của Nga thông qua các quyết sách của OPEC+. Moskva đang nổi lên trở thành đối tác tin cậy đối với các thành viên của OPEC, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Chính Nga cùng với Saudi Arabia đã đóng vai trò quyết định trong những bước đi của OPEC+, góp phần xây dựng cơ chế hợp tác theo hướng các bên cùng có lợi, xét về khía cạnh bình ổn giá dầu.

Hơn nữa, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến những lo ngại về nhu cầu “vàng đen” thế giới suy yếu, cũng như gia tăng thách thức mà OPEC phải đối mặt trong những tháng gần đây cũng đã phần nào tác động tới các quyết sách của OPEC và các đối tác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống còn 3,3%, đồng thời nhận định cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm tới giảm 0,5%. Một loạt những dấu hiệu không mấy khả quan của kinh tế thế giới cũng được cho là “chất xúc tác” để OPEC và các đối tác quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3-2020.

Theo TTXVN