Tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động

Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường LĐ.

Năm 2019, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 15.500 LĐ, trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) 150 LĐ. Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan cùng UBND các huyện, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Thông qua chính sách phát triển các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình... Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai nhiều chương trình tạo việc làm cho người LĐ như: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác và chế biến thủy sản… để cung ứng nguồn LĐ cho các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh miền Trung và miền Nam; tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, xuất khẩu LĐ tại các huyện, thành phố, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các công ty, đơn vị xuất khẩu LĐ để tuyển dụng LĐ và thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người LĐ. Với nhiều cách làm đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nên trong 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 10.101/15.500 LĐ, đạt 65,16% kế hoạch, tăng 5,05% so với cùng kỳ. Trong đó, LĐ trong tỉnh 3.056 LĐ tập trung vào các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú; Công ty TNHH may Tiến Thuận; Công ty TNHH Thông Thuận… Đặc biệt với việc triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết không ít việc làm cho nhiều LĐ tại địa phương, tiêu biểu như Công ty Điện gió Trung Nam; Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM; Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex; Công ty Cổ phần Điện mặt trời CMX Resuneap. Đối với LĐ đi làm việc ngoài tỉnh từ đầu năm đến nay đạt 6.925 LĐ. Chủ yếu người LĐ tỉnh ta đi làm việc tại các công ty về may, giầy da, cơ khí, điện tử, chế biến gỗ, làm sứ tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhiều lao động được giải quyết việc làm tại Công ty TNHH Thông Thuận.

Trong bức tranh toàn cảnh về công tác giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu LĐ được xem như là một gam màu tươi mới và là điểm nhấn đáng chú ý. Với nhiều giải pháp cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã đưa được 120 LĐ/150 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 80% kế hoạch giao. Trong đó, LĐ tỉnh ta tham gia làm việc chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản (67 LĐ), Ả Rập Xê-út (47 LĐ), ngoài ra còn có các thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… Đây là những nước có điều kiện tuyển dụng phù hợp với đặc điểm, trình độ người LĐ nên đã thu hút đông đảo người LĐ trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia. Nổi bật trong các địa phương có số lượng người tham gia hoạt động XKLĐ nhiều nhất phải kể đến như huyện Bác Ái (40 LĐ), Ninh Phước (19 LĐ) và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (18 LĐ).

Đánh giá kết quả đã đạt được, Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội khẳng định, có được kết quả trên chính là sự nỗ lực của các sở, ngành chức năng và các địa phương trong việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết việc làm cho người LĐ. Từ đó, giúp người LĐ có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ đây đến hết năm 2019 và những năm tiếp theo tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu LĐ theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất; nâng cao hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đặc biệt là đội ngũ LĐ có kỹ năng nghề nghiệp cao. Đồng thời có định hướng phù hợp về chương trình giải quyết việc làm nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu LĐ; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để LĐ nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề.