Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Đề án 241).

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2726/KH-UBND ngày 2-7-2018 triển khai đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh và hệ thống ngân hàng trên địa bàn để tổ chức thực hiện. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Ninh Thuận triển khai việc tích hợp thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trên địa bàn tại cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện cho Ngân hàng TMCP Công Thương triển khai kết nối thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tại cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Người dân giao dịch thông qua dịch vụ thẻ ATM của Ngân hàng BIDV. Ảnh: Văn Nỷ

Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, có 9/10 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) có phát sinh giao dịch nộp thuế qua ngân hàng, cụ thể đến ngày 30-4-2019 đã có 3.494 khách hàng tham gia, tăng 31 khách hàng (tăng 0,9%) so với thời điểm 31-3-2018; 7/10 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền điện, với 10.942 khách hàng thực hiện thanh toán qua ngân hàng, chiếm 7,18% số hộ dân trên địa bàn tỉnh, tăng 833 khách hàng (tăng 8,24%); 6/10 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền nước, với 1.818 khách hàng thực hiện thanh toán qua ngân hàng, chiếm 1,2% số hộ dân trên địa bàn tỉnh, tăng 93 khách hàng (tăng 5,4%); 2/10 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán học phí, với 412 khách hàng thực hiện thanh toán qua ngân hàng, chiếm 0,7% số học sinh, sinh viên hiện có trên địa bàn tỉnh, tăng 343 khách hàng (tăng 4,97 lần) so với thời điểm 31-3-2018; 6/10 chi nhánh NHTM có phát sinh thanh toán tiền thu hộ bảo hiểm xã hội và chi trả an sinh xã hội, với 3.643 khách hàng sử dụng dịch vụ, tăng 641 khách hàng (tăng 21,3%). Ngoài ra, hiện một số NHTM như: Ngân hàng TMCP Công Thương đã thực hiện lắp đặt 1 máy POS tại Kho bạc nhà nước tỉnh để phục vụ thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển lắp đặt 1 máy POS tại Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận và 1 máy POS của chi nhánh Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đặt tại Trường iSchool Ninh Thuận phục vụ việc thanh toán học phí, đến nay tất cả đã được kết nối thành công, đi vào thanh toán.

Theo chi nhánh NHNN tỉnh, việc thực hiện Đề án 241 trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó so với lộ trình kế hoạch đề ra đến năm 2020, kết quả triển khai thanh toán dịch vụ công, đặc biệt là thanh toán tiền học phí, viện phí qua ngân hàng đến thời điểm hiện nay vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do tâm lý của người dân vẫn còn thói quen thanh toán bằng tiền mặt và hiểu biết của người dân về các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, đặc biệt là thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thanh toán viện phí qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện được do chưa có máy POS nào được ngân hàng lắp đặt tại các bệnh viện để phục vụ việc thanh toán viện phí.

Mặt khác, do việc triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ công giữa các NHTM còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển, Công Thương, Ngoại Thương, Sài Gòn Thương Tín, đây là những đơn vị đi đầu về chi lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức, người lao động và cũng là những đơn vị có thị phần cao trong mảng khách hàng doanh nghiệp.

Các chi nhánh NHTM còn lại như: Đông Á, Á Châu, Nam Á, Liên Việt, Hàng Hải mặc dù Hội sở đã triển khai áp dụng trên toàn hệ thống các dịch vụ thanh toán dịch vụ công, nhưng việc triển khai tại địa bàn tỉnh còn hạn chế do lượng khách hàng chưa nhiều và do khách hàng cá nhân lựa chọn tài khoản chi lương tại các ngân hàng khác để thanh toán dịch vụ công, hoặc do chưa đạt được thỏa thuận ủy thác thanh toán với các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Để việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Đề án 241 đạt hiệu quả, thời gian tới, chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các NHTM trên địa bàn mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa tại các cơ quan nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội,…để phục vụ thanh toán qua ngân hàng. Áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử cho phép ngân hàng có thể nhận diện chính xác được khách hàng, từ đó phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Song song đó, đơn vị còn chỉ đạo các NHTM phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán như: Thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ qua POS, mPOS, thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động thông minh, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trường gần trên di động (NFC) và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ để vận động, khuyến khích doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt, tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí.