Nhiều mô hình mới trong sản xuất-chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm trở lại đây, nhiều nông dân ở huyện Ninh Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi, tìm hướng đi mới trong sản xuất-chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình “Lúa-Cá”, “Nuôi heo thịt khép kín”, dù chỉ mới phát triển nhỏ lẻ nhưng các mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong phát triển không riêng gì ở huyện Ninh Sơn.

Mô hình Lúa-Cá

Khoảng 5 năm trở lại đây, một số nông hộ ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn đã mạnh dạn triển khai mô hình lúa–cá (trồng lúa kết hợp nuôi cá trên cùng một diện tích) mang lại nguồn thu đáng kể. Qua trao đổi với nhiều nông dân cho biết, nếu chỉ trồng lúa thì hiệu quả cũng có nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức nhà nông bỏ ra. Trong khi điều kiện tự nhiên nơi đây khá thuận lợi, nên nông dân đã thử triển khai mô hình “lúa–cá” và thực tế rất thành công.

Ông Lại Văn Soan giới thiệu mô hình “lúa-cá” của mình.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lại Văn Soan - một trong những nông dân đã mạnh dạn triển khai mô hình này từ nhiều năm trước. Qua trò chuyện được biết, để thực hiện mô hình này, người nông dân sử dụng ruộng lúa như một ao nuôi cá. Theo đó, vào vụ đông-xuân, bà con mua cá giống về ươm ở một hồ nước riêng, khi thu hoạch lúa xong, ruộng sẽ được bơm nước vào, lúc này, cá giống đã được ươm lớn, đem thả xuống ruộng. Thức ăn của cá sẽ là lúa chét, lúa rụng, gốc rạ, côn trùng. Sau một tháng, bà con lại rút nước ra, cá được đưa về một diện tích nhỏ trũng trong ruộng, sau đó tiếp tục sản xuất vụ hè-thu. Khi lúa đã phát triển, nông dân bơm nước vào, cá từ vùng trũng bơi lên sinh sống, kiếm ăn trong lúa. Kết thúc vụ, lại xả nước ra, cá lại được đưa về vùng trũng, thu hoạch xong lại bơm nước vào. Cá được nuôi trong ruộng cho đến khi bắt đầu vụ đông-xuân là thu hoạch, chuyển sang vụ “lúa-cá” mới. Chỉ tay ra phía ruộng “lúa-cá” nhà mình, ông Soan cho biết: “với 1,5 ha đất, nếu những năm trước chỉ trồng lúa, mỗi năm tôi thu khoảng 70 triệu đồng; nhưng với mô hình lúa-cá mỗi năm tôi thu từ 140 -150 triệu đồng”.

Cũng theo ông Soan không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình lúa- cá này còn giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như hạn chế dùng thuốc sâu bệnh cho cây lúa, xử lý được ô nhiễm môi trường. Hiện nay, mô hình này đang được nhiều nông dân xã Lương Sơn triển khai nuôi trồng.

“Nuôi heo thịt khép kín”

Cuối năm 2009, anh Cáp Hữu Thắng, ở thôn Hạnh Trí, xã Quảng Sơn đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng trang trại nuôi heo theo mô hình “Nuôi heo thịt khép kín” cho thu nhập rất cao và an toàn. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là mô hình chăn nuôi kết hợp giữa hộ nông dân và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam. Người nuôi chỉ cần có đất rộng, vốn đầu tư chuồng trại và công sức của mình; còn lại con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm đều được Công ty Cổ phần Chăn nuôi bao tất. Với hình thức này, sau khi người dân đã có chuồng trại, công ty sẽ đến hợp đồng cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, sau mỗi kỳ xuất chuồng, người nuôi sẽ được trả công theo số lượng kg heo được xuất chuồng. Theo anh Thắng, thì mức giá thấp nhất là 1.200đồng/kg, nhưng nếu trong thời gian nuôi người nuôi tiết kiệm được thức ăn, heo không bị bệnh, dịch chết nhiều thì người nuôi sẽ được công ty tăng thêm phần công trên kg heo có thể lên đến 2.200 đồng/kg. Khi được hỏi về rủi ro trong chăn nuôi, anh Thắng cho biết hoàn toàn an tâm. Vì theo mô hình này, heo giống cung cấp nuôi được tiêm phòng ngừa dịch bệnh, nếu gặp rủi ro công ty cũng đảm bảo sẽ tính thời gian công sức mình bỏ ra dù bất cứ thời gian nuôi là bao nhiêu. Hiện tại anh đang nuôi 520 con. Anh Thắng cho biết, dù chỉ mới nuôi hơn một năm nay, nhưng qua hai lần xuất chuồng, thu lãi gần 160 triệu đồng, và anh đang có ý định mở rộng diện tích chuồng. Hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 2 hộ (ở địa bàn Ninh Sơn) nuôi theo mô hình này. Trong khi đó, cũng theo anh Thắng, do thiếu thông tin, nên người dân trong tỉnh chưa biết nhiều, còn ở các tỉnh khác mô hình này được đông đảo nông dân áp dụng. Hiện nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam cũng đã mở chi nhánh tại tỉnh và đang tìm đối tác là nông dân để mở rộng các mô hình như “Nuôi heo thịt khép kín”; “trại heo giống”, “Nuôi heo lạnh”, “Nuôi gà lạnh”…

Đây chỉ là 2 trong hàng chục mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp-chăn nuôi của nông dân huyện Ninh Sơn. Những mô hình đã cho kết quả cụ thể chính là nguồn thu nhập cao của người nông dân. Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Hiện nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo do đ/c Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kiểm tra, đánh giá lại các mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao của người nông dân. Từ đó, nghiên cứu, xem xét để nhân rộng trên địa bàn huyện.