Tôm hùm là đối tượng có giá trị kinh tế cao và được nuôi ở tỉnh ta từ khá lâu, tại khu vực biển Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải; Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải); Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm bông, tôm hùm xanh và tôm hùm đỏ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do tôm hùm bông thời gian nuôi dài, dễ bị rủi ro, giá bán biến động, nên trong thời gian gần đây người dân chuyển sang nuôi tôm hùm xanh, vừa dễ tiêu thụ, vừa quay vòng vốn nhanh. Hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè hiện nay diễn ra khá sôi động, tăng cả về quy mô lồng và năng suất sản lượng. Năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 310 lồng nuôi, đến năm 2018 tăng lên 1.260 lồng và hiện nay nhiều hộ nuôi đang tiếp tục đóng mới, dự kiến số lượng lồng bè sẽ tiếp tục tăng.
Người dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá bóp. Ảnh: T.Quang
Riêng cá biển, đối tượng nuôi phổ biến là cá bớp và cá chim, có hiệu quả nhất tại thời điểm hiện nay. Mặc dù 2 loài cá này mới đưa vào nuôi ở tỉnh ta từ năm 2014, tuy nhiên cá thích nghi và sinh trưởng tốt, năng suất thu hoạch cao, nên số lượng lồng nuôi tăng mạnh, từ 220 lồng ban đầu, đến nay tăng lên trên 700 lồng, sản lượng thu hoạch 221 tấn/vụ, giá bán ổn định, nên hiệu quả kinh tế khá cao. Hình thức nuôi chủ yếu là các lồng nổi, có kích thước 3x3x4 m, kết thành bè trên mặt nước. Nghề nuôi cá biển trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng mặt nước ven biển của các địa phương. Để phát triển sản xuất bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng chính thức cho nuôi lồng bè trên biển ở khu C1, C2, thuộc vịnh Phan Rang, với diện tích 340 ha.
Tuy nhiên, do vịnh Phan Rang là vùng biển hở, không có đảo che chắn, nên vào mùa gió Nam thường chịu ảnh hưởng của sóng to, kết cấu lồng bè theo kiểu truyền thống không chịu được điều kiện sóng gió. Nhằm ổn định sản xuất, UBND tỉnh ban hành văn bản số 127/UBND-KTN ngày 12-1-2015 về việc đồng ý khu vực tạm thời di chuyển các lồng bè nuôi thủy sản trong mùa gió Tây Nam và Quyết định số 3048/2016/QĐ-UBND về việc quy đinh vùng nuôi thủy sản tạm thời kết hợp du lịch tại khu vực vịnh Vĩnh Hy. Việc di chuyển vùng nuôi đã hạn chế được rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu, nhưng số lượng lồng bè tăng nhanh nên tại các vùng nuôi tạm không đáp ứng đủ diện tích, đang là khó khăn chưa khắc phục được.
Bên cạnh đó, tỉnh ta chịu ảnh hưởng lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, khô nóng, mưa lớn gây lũ, ngập lụt, đã ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng thủy sản, diện tích, năng suất và sản lượng nuôi giảm đáng kể. Nắng nóng làm cho nhiệt độ nước tăng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi; biên độ nhiệt dao động mạnh trong thời gian ngắn làm giảm sức khỏe thủy sản nuôi, là điều kiện phát sinh của các loại bệnh. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thu mua. Liên kết giữa sản xuất - thu mua - chế biến, giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn yếu, chưa tạo ra được chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, giải pháp ngành Nông nghiệp đưa ra là đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các mô hình nuôi thành công. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực có lợi thế và tiềm năng, hình thành các vùng nuôi tập trung có sản phẩm hàng hóa lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Trước mắt, để hoạt động nuôi tôm hùm phát triển ổn định, ngành đề xuất đầu tư dự án xác định toạ độ và cắm mốc neo giao mặt nước cho từng hộ dân, tránh tình trạng tranh chấp mặt nước khi tăng quy mô lồng bè; mở các tuyến đường thông thoáng từ bờ ra vùng nuôi để người nuôi đi lại, vận chuyển dễ dàng. Về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ người nuôi áp dụng các mô hình lồng bè nuôi cá biển tiên tiến như lồng Đài Loan, lồng Na Uy.
Anh Tùng