Phước Kháng nỗ lực giảm nghèo

Phước Kháng là một trong những xã nghèo của huyện Thuận Bắc, 100% là đồng bào Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, chính quyền xã đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Raglai nơi đây ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn được đổi mới từng ngày.

Đến xã Phước Kháng tháng vào trung tuần tháng 6, mặc dù thời tiết khá nóng nhưng bà con vẫn chăm chỉ ra đồng sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong những ngôi nhà khang trang mọc lên dần thay thế căn nhà cũ kỹ, con đường bê tông nối dài, sạch đẹp, hàng cây xanh rợp bóng mát 2 bên đường. Trong 3 năm (2016-2018), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, sản xuất đến người dân. Đối với Chương trình 135, Nhà nước đầu tư xây dựng 4 công trình, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu tập trung xây dựng đường giao thông nội thôn, đến nay, toàn xã có hơn 80% đường nội thôn được bê tông hóa; sửa chữa, bảo dưỡng 5 công trình gồm nhà cộng đồng, trụ sở các thôn, với kinh phí hơn 300 triệu đồng.

Gia đình anh Mai Tuyên, thôn Đá Mài Trên được hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi đã vươn lên thoát nghèo.

Để giúp bà con phát triển kinh tế, xã đã triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ sản xuất. Sau khi khảo sát địa hình, thổ nhưỡng, các cấp, các ngành xác định hướng đi phù hợp với kinh tế địa phương là tập trung phát triển chăn nuôi. Vì vậy, các dự án được triển khai chủ yếu là chăn nuôi, cụ thể từ năm 2016-2018, đã triển khai 5 dự án hỗ trợ sản xuất, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 57 hộ nghèo và cận nghèo, mỗi hộ 3 con dê cái sinh sản; dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình trồng tre lấy măng gồm 50 hộ nghèo và cận nghèo hỗ trợ 8.000 gốc tre; hỗ trợ các hộ nghèo, mỗi hộ 20 con gà con; hỗ trợ 11 hộ nghèo mỗi hộ 2 con bò cái sinh sản, hộ cận nghèo 1 con bò cái... Nhìn chung, các hộ được dự án hỗ trợ đều chăm sóc cho vật nuôi phát triển tốt, qua các dự án, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Song song với các dự án, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo chính đáng. Trong 3 năm, có 282 hộ được vay vốn làm ăn với tổng số vốn vay gần 8 tỷ đồng. Nhiều hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích chăn nuôi, trồng trọt nên có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống gia đình. Điển hình như anh Mai Tuyên, thôn Đá Mài Trên, thuộc hộ nghèo. Anh vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng, mua 2 con bò cái về nuôi. Đến nay, bò đã sinh sản thành 2 con, anh bán bò mẹ, có tiền đầu tư sản xuất. Thuộc hộ nằm trong dự án hỗ trợ sản xuất, anh được cấp 20 con gà con để nuôi phát triển kinh tế, nhờ chăm sóc tốt đàn gà phát triển, anh bán gà có thêm thu nhập. Ngoài ra, anh còn canh tác 2 sào lúa, hơn 1 ha trồng bắp. Nhờ siêng năng, cần cù làm ăn, anh đã thoát nghèo bền vững vào năm 2018.

Nhằm nâng cao đời sống bà con, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được xã triển khai, đầy đủ kịp thời. Trong 3 năm qua, có 30 hộ được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 33 của Chính phủ, với tổng kinh phí 900 triệu đồng; 6.214 lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn.... Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nên Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm nhiều hơn năm trước; trong năm 2018, toàn xã có 25 hộ thoát nghèo, đạt chỉ tiêu huyện giao.

Trong năm 2019, huyện giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%, nhưng chính quyền xã tự tin số tỷ lệ hộ nghèo có thể giảm cao hơn (5-6%). Ông Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Trong năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã có thể giảm nhiều hơn từ 30-35 hộ, nhìn mặt bằng chung của toàn xã, nếu xét theo tiêu chí hộ nghèo mới thì sẽ đạt được. Bên cạnh đó, đầu năm nay, xã đã triển khai 2 dự án hỗ trợ sản xuất giúp bà con thoát nghèo, hiện dự án đang thực hiện tốt và có khả năng đạt kết quả cao.