Để kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, đúng quy chế

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPT quốc gia) năm 2019 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24 đến 27-6 tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được toàn ngành Giáo dục và Đào tạo cùng cả hệ thống chính trị tích cực chuẩn bị, triển khai để kỳ thi diễn ra được an toàn, đúng quy chế.

Đổi mới trong cách ra đề thi

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, bắt đầu từ năm nay 2019 và những năm tới, xu hướng ra đề thi sẽ chủ yếu phục vụ cho mục đích thi tốt nghiệp (nếu gộp với mục tiêu tuyển sinh đại học thì phải có nhiều câu phân hóa), hơn nữa, các trường đại học đang tiến dần tới tự chủ trong tuyển sinh, tự tổ chức tuyển sinh riêng (không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia).

Theo các giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục, sự điều chỉnh này tương đối hợp lý. đối với đề thi môn Ngữ văn, xu hướng và cách thức ra đề thi những năm gần đây thông thường chú ý kiểm tra kiến thức lẫn kỹ năng. Những vấn đề được đặt ra trong đề văn ngày càng gần gũi và gắn bó với cuộc sống. Cụ thể, đối với đề thi môn Ngữ văn, xu hướng và cách thức ra đề thi những năm gần đây thông thường chú ý kiểm tra kiến thức lẫn kỹ năng. Những vấn đề được đặt ra trong đề văn ngày càng gần gũi và gắn bó với cuộc sống.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở. Đặc biệt, đề thi có câu hỏi mang tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, đánh giá được khách quan, công bằng năng lực của học sinh. Trên cơ sở đó, sử dụng vào mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học...

Nhiều điểm mới trong xét tuyển

Trên cơ sở Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục đã xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 đảm bảo theo quy định. Cụ thể, toàn hệ thống đã xác định có 483.562 chỉ tiêu; trong đó chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức thi THPT quốc gia là 341.594 (70,6%), chỉ tiêu theo các phương thức khác là 141.968.

Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia của thí sinh sẽ gồm cả việc đăng ký dự thi THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây là hai việc mà thí sinh phải làm đồng thời cùng thời điểm. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các em sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần. Và một quy định quan trọng khác là khi làm thủ tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi, các em phải có chứng minh thư nhân dân.

Và nếu tham gia xét tuyển bằng học bạ vào các ngành sư phạm trình độ đại học, thí sinh phải bảo đảm đủ hai điều kiện: Tốt nghiệp THPT và xếp loại học lực giỏi năm lớp 12. Riêng các ngành Sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao được phép xét tuyển thí sinh xếp loại học lực năm lớp 12 đạt từ loại khá trở lên.

Đối với nhóm ngành y, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chủ trương áp dụng quy định này. Cụ thể, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào nhóm ngành y có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, thí sinh phải tốt nghiệp THPT và xếp loại học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi. Các ngành còn lại có thể được xét tuyển thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt từ loại khá trở lên.

Đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng

Ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung thay đổi 9 nội dung để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận thi cử.

Theo đó, Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng).

Phiếu trả lời trắc nghiệm được tiến hành “đánh phách điện tử” để không thấy được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem nhưng không sửa được các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc chấm thi tự luận vẫn do Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chủ trì nhưng tăng cường vai trò giám sát của các trường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm hai vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Đặc biệt, các bài đạt điểm cao ở tất cả các hội đồng thi phải được chọn để chấm kiểm tra. Đồng thời, yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo hai vòng độc lập, sau đó đối chiếu để đảm bảo không có sai sót, sau đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi.

Sau khi có kết quả, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các Hội đồng thi và của cả nước để kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có) trước khi công bố kết quả thi.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Quy chế thi 2019 cũng quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, trong đó các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi). Phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các điểm thi được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn.

Một điểm mới nữa là các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan; phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định, mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi.

Ngày 19-7-2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công điện đến Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Hiệu trưởng các trường cao đẳng sư phạm tham gia tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về việc tập trung phối hợp tổ chức tốt kỳ thi tại các địa phương. Đồng thời gửi công điện tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi tại địa phương.

Tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, học sinh sẽ làm 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Cụ thể:

- Ngày 24-6, sáng: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi; chiều: 14 giờ thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi.

- Ngày 25-6, sáng: thi Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút; chiều: thi Toán, thời gian làm bài 90 phút.

- Ngày 26-6, sáng: thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý: 50 phút, Hóa học: 50 phút, Sinh học: 50 phút), chiều: thi Ngoại ngữ (60 phút).

- Ngày 27-6, sáng: thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử: 50 phút, Địa lý: 50 phút và Giáo dục công dân: 50 phút).

Dự kiến ngày 14-7-2019 công bố kết quả thi.

Theo TTXVN