Mặt trận xã Phước Thuận với công tác bảo vệ an ninh trật tự địa phương

Là xã đồng bằng thuần nông, Phước Thuận (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 1.241,36 ha, dân số 18.621 người (4.465 hộ) sinh sống trong 7 thôn: Thuận Hòa, Thuận Lợi, Phước Khánh, Phước Lợi, Hiệp Hòa, Vạn Phước và Phú Nhuận.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong những năm qua, Phước Thuận luôn giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông, trở thành xã điển hình về xây dựng các mô hình tự quản an ninh trật tự (ANTT).

Tháng 9-2015, Phước Thuận được công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Trở lại Phước Thuận sau ngần ấy năm, chúng tôi không khỏi ấn tượng trước diện mạo mới và không khí yên ả của vùng quê này. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị xã đã vào cuộc, trong đó phải kể tới vai trò đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã. Với đặc điểm có 2 dân tộc chính là Kinh (chiếm 86,87%), Chăm (chiếm 13,10%) và có các dân tộc Tày, Nùng, Thổ, K’Ho (chiếm 0,03%) sinh sống; ngoài ra còn có hoạt động của các tôn giáo chính như Bàni và Bàlamôn của người Chăm; Phật giáo, Thiên chúa giáo của người Kinh nên Phước Thuận chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong xã. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ xã, Ban công tác Mặt trận thôn, người dân các dân tộc anh em hoặc khác tôn giáo chung sống chan hòa với nhau. Nhờ vậy, trên địa bàn dân cư Phước Thuận đã luôn ổn định tình hình ANTT và không xảy ra điểm nóng.

Tổ An ninh xung kích thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận giúp dân
tu bổ đường thôn đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đồng chí Trương Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Thuận, trong công tác ANTT nổi bật là sự phối kết hợp liên tịch giữa Công an xã với MTTQ xã trong việc củng cố và phát huy Tổ An ninh xung kích (ANXK). Căn cứ vào số lượng thôn, toàn xã hiện có 7 Tổ ANXK với 56 thành viên, gồm các hội viên cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, có trách nhiệm đi tuần tra ban đêm giữ gìn ANTT trong xóm làng. Kinh phí hoạt động của các Tổ được huy động trong nhân dân, các nhà mạnh thường quân và nhà hảo tâm ủng hộ đóng góp. Ngoài 7 Ban Công tác Mặt trận hình thành tại 7 thôn, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ xã còn tham mưu thành lập 75 Tổ Nhân dân đoàn kết tự quản (gọi tắt Tổ tự quản) với 88 thành viên, đa phần do cán bộ và đoàn thể thôn kiêm nhiệm, giúp cho Ban Công tác Mặt trận, Ban Quản lý (BQL) thôn nắm chắc tình hình khu dân cư về biến động nhân hộ khẩu, ANTT. Trọng tâm là tham gia cùng BQL thôn hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong dân cư bằng tình làng nghĩa xóm, có lý, có tình phù hợp với luật pháp và phong tục tập quán.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp Công an xã tổ chức cho 3.884/4.186 hộ gia đình ký cam kết xây dựng mô hình khu dân cư và gia đình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, người trong gia đình khi tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường, tốc độ quy định, không vi phạm an toàn giao thông. Đặc biệt nhằm phát huy vai trò của người tiêu biểu, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, MTTQ xã đã phối hợp Công an xã xây dựng mô hình “Tộc họ tự quản về ANTT và an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc Chăm thôn Phú Nhuận”. Cụ thể tại đây có 8 tộc họ, với 45 thành viên, các tộc họ đã tuyên truyền, vận động các thành viên chấp hành sự lãnh đạo của các cấp và các quy định của địa phương; điển hình như phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở giải quyết tốt chính sách dân tộc, công tác tôn giáo… Từ kinh nghiệm của thôn Phú Nhuận, Ủy ban MTTQ xã tiếp tục củng cố, thành lập thêm 4 tộc họ tự quản trong các thôn dân tộc Kinh gồm: 1 tộc họ ở Vạn Phước 1; 1 tộc họ ở thôn Phước Khánh và 2 tộc họ ở thôn Thuận Hòa.

Qua thực tiễn hoạt động, có thể nói các mô hình trên đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đối với các Tổ ANXK, đã chủ động hỗ trợ lực lượng công an đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích… Các Tổ cũng thực hiện tốt việc phối hợp MTTQ và các đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng bằng tình cảm, trách nhiệm của mình; nhiều người đã cải tạo tiến bộ, trở thành trụ cột cho kinh tế gia đình.

Tiếp tục giữ gìn ANTT trên địa bàn, gần đây, Phước Thuận đã triển khai lắp đặt 30 camera dọc theo ngã ba, ngã tư trên Tỉnh lộ 708, các tuyến đường liên thôn, liên xã. “Việc đầu tư lắp đặt hoàn toàn xã hội hóa, người dân địa phương sẵn sàng đóng góp vì lợi ích của cộng đồng” - đồng chí Trương Văn Hậu chia sẻ. Nhìn chung, với vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong xã, MTTQ xã Phước Thuận đã thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đem lại bình yên thôn xóm, góp phần duy trì xã đạt chuẩn NTM giai đoạn mới.