Triển vọng hợp tác giữa TP. Hà Nội và Ninh Thuận

Trước hết ở lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hai địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm qua hoạt động hợp tác giữa các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các sở, ngành và các quận, huyện của hai bên.

Qua đó đã tham mưu cấp ủy 2 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, hiện có 69 dự án với tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân TP. Hà Nội tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Một số dự án có quy mô lớn đầu tư trên các lĩnh vực năng lượng, du lịch được triển khai nhanh, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm cho tỉnh nhà. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn của TP. Hà Nội đang tìm hiểu, đăng ký hoặc mở rộng đăng ký đầu tư vào tỉnh ta như: Tập đoàn BIM (đã hoàn thành đưa vào hoạt động Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ với quy mô 2.127,96 ha, khánh thành đưa vào hoạt động Cụm tổ hợp nhà máy điện mặt trời công suất 330MW), hiện đang mở rộng đầu tư các lĩnh vực điện gió, mặt trời với quy mô dự kiến khoảng 1.000MW; các nhà đầu tư khác như Tập đoàn T&T,… đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo và đăng ký mở rộng đầu tư các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Ngoài ra, trong thời gian qua với sự hỗ trợ các đơn vị của TP. Hà Nội, UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công các sự kiện quảng bá, tiếp xúc đầu tư, du lịch tại Hà Nội; đồng thời các sở, ngành, DN giữa 2 địa phương đã bước đầu triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Riêng trong năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về nghiên cứu khoa học trọng điểm phục vụ công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì cùng các ngành của thành phố đã đi thăm các mô hình trao đổi kinh nghiệm với các ngành của tỉnh ta trong việc triển khai các chương trình tăng trưởng xanh tại Ninh Thuận.

Nhìn chung việc thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố bước đầu đạt được những kết quả nhất định, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phù hợp thế mạnh của mỗi địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kết quả hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của 2 địa phương, chưa phát huy được các lĩnh vực thế mạnh như: Khoa học - công nghệ, xúc tiến đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại; chưa hợp tác sâu về phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, để tăng cường hợp tác giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo, hai địa phương thống nhất tăng cường chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung hợp tác. Theo đó, ở lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, lãnh đạo tỉnh ta và TP Hà Nội khuyến khích, tạo điều kiện để các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; các sở, ngành và lực lượng vũ trang tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trên các lĩnh vực công tác. Trong hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, về lĩnh vực xúc tiến, thu hút đầu tư và tín dụng, tỉnh ta tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN Hà Nội đến tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và có cơ chế, chính sách linh hoạt trong việc thu hút đầu tư, tập trung vào 6 ngành kinh tế trụ cột gồm: Năng lượng; du lịch; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp; giáo dục và đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Hai bên sẽ tích cực trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng quy hoạch tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030; xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư; xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến và quản lý đầu tư; định kỳ gặp gỡ, trao đổi các kinh nghiệm trong thu hút đầu tư và cải tiến các thủ tục giữa 2 địa phương.

Theo thông báo trên, tỉnh ta và TP. Hà Nội sẽ phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thảo luận, thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác. Bên cạnh đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng cấp ủy của hai địa phương làm cơ quan thường trực, đầu mối phối hợp chung các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hợp tác; định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ cấp ủy hai tỉnh, thành phố. Với sự hợp tác, tỉnh ta và Hà Nội mở ra triển vọng phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ cùng nhau phát triển.