Hội thảo tham vấn góp ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều

Ngày 14-6, tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, chú trọng quyền trẻ em.

Tham dự Hội thảo có đại biểu của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp; đại diện Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đại diện các sở, ngành liên quan ở tỉnh ta.

Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn, các luật khác có liên quan được ban hành đã góp phần hoàn thiện đáng kể hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện của đất nước và từng địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, dưới tác động của biến đổi khí hậu. Do đó việc xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trên. Song song đó, theo khuyến nghị của UNICEF tại Việt Nam, việc chuyển sang hệ thống phòng, chống thiên tai lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là trẻ em, phải được đề cập rõ ràng và được định nghĩa trong dự án Luật sửa đổi lần này.

Đại diện UNICEF tại Việt Nam góp ý thúc đẩy quyền trẻ em trong dự thảo Luật sửa đổi Phòng, chống thiên tai. Ảnh: BT

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày ý kiến, tham luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, góp ý về quỹ phòng chống thiên tai, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, nguồn tài chính, kiểm soát an toàn thiên tai,…Qua đó các đại biểu đề xuất những vấn đề này cần phải được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.