Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14-6): Trao đời sự sống

Từ ngày 13-6, chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất “Hành trình Đỏ” lần thứ VII sẽ chính thức bắt đầu và kéo dài đến ngày 28-7-2019, với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.

Hiến máu cứu người - quà tặng vô giá cho sự sống

Máu là nguồn sống, là một món quà, một dược phẩm vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Và mặc dù khoa học thế giới đã có nhiều tiến bộ, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa tìm ra một dược phẩm nào có thể thay thế được máu. Đó cũng là lý do mà hằng ngày, hằng giờ, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chúng ta đều có thể chứng kiến sự sống bị đe dọa, thậm chí bị tước đoạt vì không thể cung cấp đủ máu cho cơ thể.

Năm 1975, Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 8 đã kêu gọi phát triển dịch vụ truyền máu quốc gia dựa trên hiến máu tình nguyện. Năm 2004, để ghi nhận, bày tỏ sự cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, Hội Truyền máu quốc tế, Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu thống nhất lấy ngày 14-6 là Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu.

Với người bệnh, những người hiến máu tình nguyện thực sự là những người anh hùng vì đã đem tặng món quà vô giá – máu và thời gian. Và chính nhờ lượng máu hiến tặng này, hằng năm trên thế đã có hàng triệu người được cứu sống.

Và sự cam kết hỗ trợ của chính phủ đối với một chương trình máu quốc gia được coi là điều kiện tiên quyết để đạt được 100% máu hiến tình nguyện. Các quốc gia cần có sự công nhận cụ thể rằng, truyền máu và nhận máu tình nguyện là một phần không thể thiếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân, để từ đó thiết lập cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp các sản phẩm máu an toàn cho nhu cầu của xã hội.

WHO ước tính rằng, chỉ cần 1% dân số toàn cầu tình nguyện hiến máu có thể đáp ứng được ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản nhất về máu của các quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ quyên góp trung bình ở các nước đang phát triển thấp hơn 15% so với các nước phát triển. Trong số gần 60 quốc gia đạt được 100% nhu cầu máu từ những người tình nguyện, 68% là các nước phát triển, trong khi các nước đang phát triển và kém phát triển lần lượt chỉ là 23% và 9%.

Với chủ đề: “Hiến máu và phổ cập nội dung về truyền máu an toàn, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khoẻ toàn cầu” và thông điệp: “Máu an toàn cho mọi người”, Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 2019 mong muốn nâng cao nhận thức về nhu cầu máu an toàn toàn cầu trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và vai trò quan trọng của hiến máu tình nguyện trong việc hoàn thành mục tiêu bảo vệ sức khoẻ toàn cầu. Chủ đề năm nay cũng nhằm kêu gọi, khuyến khích thêm nhiều người trên khắp thế giới hãy tham gia hiến máu thường xuyên và tự nguyện để có thể xây dựng một nền móng vững chắc cho hệ thống máu dữ trữ quốc gia.

“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”

Phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc dù muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng phong trào đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (tháng 2-2008).

Với thông điệp đầy tính nhân văn “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những người tham gia hiến máu tình nguyện đã sẵn sàng sẻ chia những giọt máu hồng của mình để giành lại sự sống cho nhiều người bệnh trong cơn nguy kịch. Nghĩa cử cao đẹp ấy đang ngày càng được nhân rộng, vươn xa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được kết quả đáng khích lệ. Sau 25 năm phát động, số đơn vị máu thu được tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1994, cả nước mới chỉ tiếp nhận được 138 nghìn đơn vị máu, trong đó có đến 85,5% là từ người nhà bệnh nhân và người bán máu chuyên nghiệp, thì đến năm 2018, cả nước tiếp nhận được 1,4 triệu đơn vị máu, cao gấp 11,5 lần so với năm 1994. Đặc biệt trong đó có tới 98% là từ người hiến máu tình nguyện, đáp ứng được trên 70% nhu cầu máu cho điều trị. Cá biệt có những người đã hiến máu trên 50 lần, 70 lần, nhiều gia đình cùng nhau đi hiến máu, hoạt động hiến máu tình nguyện được đưa về từng làng quê, ngõ phố, thành một nghĩa cử được lan truyền và nhanh chóng nhân rộng.

Đến nay, mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã dần hoàn thiện với 100% các tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 79% số xã, phường có Ban Chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện.

Cùng với đó, nhiều chiến dịch và sự kiện cũng phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, như: Chiến dịch vận động hiến máu dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, Chương trình Chủ nhật Đỏ, Chiến dịch "Những giọt máu hồng hè” và Hành trình Đỏ, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14-6)… Những bước phát triển nhanh chóng của phong trào hiến máu tình nguyện hằng năm đã góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của ngành truyền máu Việt Nam cũng như nền y học hiện đại và là nét đẹp, nét văn hóa đầy tính nhân văn của cộng đồng và xã hội.

Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, Hành trình Đỏ 2019 sẽ diễn ra tại các địa phương: Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Nội. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An và Thanh Hóa tham gia cả 7 kỳ Hành trình Đỏ. Đắk Nông, Hưng Yên, Nam Định, Lào Cai, Lai Châu là những tỉnh lần đầu tiên tham gia sự kiện ý nghĩa này.