Hội nghị hợp tác, phát triển giữa tỉnh Ninh Thuận và Thành phố Hà Nội

Ngày 12-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua và bàn kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo HĐND, UBND và các sở, ngành của tỉnh Ninh Thuận và Thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo kết quả hợp tác giữa Hà Nội và Ninh Thuận, trong thời gian qua hai địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, với sự hỗ trợ của chính quyền 2 địa phương, hiện có 69 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân Thành phố Hà Nội tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó có 49 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và có 20 dự án đã được chấp thuận địa điểm; có 13 dự án đi vào hoạt động và 15 dự án đang triển khai thi công. Một số dự án có quy mô lớn đầu tư trên các lĩnh vực năng lượng, du lịch được triển khai nhanh đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm cho tỉnh nhà. Các sở, ngành, doanh nghiệp giữa 2 địa phương đã bước đầu triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên kết quả hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương.

Trong phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Hà Nội và Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Về hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, phối hợp cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư-kinh doanh, tập trung vào 6 ngành kinh tế trụ cột gồm: Năng lượng; du lịch; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp; giáo dục và đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao về kết quả hợp tác thời gian qua và thông tin khái quát về đặc điểm, vị trí địa lý và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh chính trị của Hà Nội. Đồng chí nhấn mạnh để tăng cường hợp tác giai đoạn 2019-2020 và những năm tới theo hướng toàn diện, hiệu quả và phát huy lợi thế, tiềm năng, cùng nhau phát triển, hai địa phương cần thống nhất tăng cường chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung hợp tác. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phải đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương. Về hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Phát biểu với đoàn công tác Thành ủy Hà Nội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, tiềm năng lợi thế và kết quả bước đầu qua thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào tỉnh nhà, trong đó nổi bật là các dự án đầu tư về năng lượng tái tạo. Đồng chí cảm ơn sự chia sẻ, động viên của đoàn công tác Thành ủy Hà Nội, ghi nhận sự hỗ trợ và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Trong thời gian tới, cần có sự hợp tác toàn diện hơn trong xây dựng hệ thống chính trị, hợp tác trong kinh tế-xã hội. Theo đó thống nhất hướng bổ sung lợi thế tiềm năng mỗi địa phương, thống nhất hợp tác thiết thực theo 9 lĩnh vực. Trước mắt trong năm 2019 tập trung vào 4 lĩnh vực thế mạnh và phát triển các dự án khu công nghiệp, năng lượng sạch. Thống nhất giao Văn phòng cấp ủy, các sở, ngành 2 địa phương phối hợp triển khai thực hiện.