Công điện khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện 2389/CĐ-UBND về việc khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo các xã khẩn trương tổ chức ra quân vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại những khu vực trọng điểm trên địa bàn. Thời gian ra quân bắt đầu từ sáng ngày 10-6-2019. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu kế hoạch thực hiện tiêu độc khử trùng kéo dài trong vòng một tháng, để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Khẩn trương kiểm tra, rà soát những địa phương phương còn thiếu hóa chất, vôi bột và kịp thời cung cấp, triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng để phòng chống bệnh đạt kết quả; trong đó có dự phòng cho trường hợp khi bệnh xảy ra tại tỉnh. Việc cung cấp hóa chất vôi bột cho các địa phương thực hiện trước ngày 10-6-2019.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch động vật trên các phương tiện qua tỉnh tại Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc và các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để đảm bảo kiểm soát hết các phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ vào tỉnh. UBND các huyện thành phố chỉ đạo các xã khẩn trương có phương án, kế hoạch ứng phó khi bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn; phân công cụ thể trách nhiệm của các phòng ban, bộ phận, cá nhân và nguồn lực thực hiện phòng chống dịch.

Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ về diễn biến tình hình, biện pháp phòng chống và các nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để nhân dân biết, tạo đồng thuận cùng với các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị triển khai các giải pháp phòng chống dịch đạt kết quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn; các trang trại hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là giống để tái tạo đàn sau khi hết dịch. Có phương án tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các hộ chăn nuôi đa dạng đối tượng để chủ động nguồn thịt tại tỉnh, nhằm ổn định tình hình sản xuất tiêu dùng của nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và DTLCP lây lan rất nhanh, tính đến ngày 3-6-2019, đã xảy ra tại 53 tỉnh, thành phố; trong đó có các tỉnh xung quanh, gần tỉnh ta từ các hướng Bắc, Tây và Nam. Mặc dù tỉnh ta không nhập lợn từ các tỉnh, nhưng trung bình mỗi ngày có khoảng 15 chuyến, vận chuyển 2.000 con lợn đi ngang qua tỉnh ta nên nguy cơ lây lan bệnh là rất cao, khả năng khó tránh khỏi trong thời gian tới.