Từ “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” đến “Ngày Người cao tuổi Việt Nam”

Năm nay, cùng với lớp người cao tuổi trên cả nước, Người cao tuổi tỉnh nhà cũng long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941-6/6/2019) đồng thời kỷ niệm 9 năm “Ngày người cao tuổi Việt Nam” (6/6/2010 - 6/6/2019).

Ngày 6-6-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” nhằm tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong lời kêu gọi này, Người ra Lời hiệu triệu “đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người chỉ rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão và nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì… Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu các bậc phụ lão” từ thời điểm lịch sử 6-6-1941, lớp người cao tuổi cả nước hăng hái tham gia “Hội phụ lão cứu quốc” để cùng toàn dân tham gia kháng chiến cứu quốc trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng thành công trong đó có sự đóng góp to lớn của lớp người cao tuổi và tổ chức Hội phụ lão cứu quốc.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng
Hàng Thị Kim, 84 tuổi ở xã Tri Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Từ nguyện vọng tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước cùng với sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam, ngày 26-5-2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6-6 hàng năm là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam có dấu mốc lịch sử khởi đầu là ngày 6-6-1941-Ngày Bác Hồ ra “Lời hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão”. Nội dung cốt lõi của “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” là dịp để lớp người cao tuổi ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đồi với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ đó phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới của đất nước; xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp người cao tuổi hiện nay: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Kể từ ngày 6-6-2010, ngày kỷ niệm truyền thống người cao tuổi Việt Nam còn có thêm tên mới: “Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội ở thời kỳ mới của đất nước, thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập và phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời cũng là giai đoạn đất nước diễn ra tình trạng “già hóa dân số” một cách nhanh chóng. Ngày 23-11-2009, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Người cao tuổi. Điều 6, Luật người cao tuổi có ghi: “Ngày 6 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Như vậy kể từ ngày 6-6-2010 có thêm ngày kỷ niệm truyền thống của lớp Người cao tuổi_ “Ngày người cao tuổi Việt Nam”

Như vậy “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” kể từ dấu mốc lịch sử 6-6-1941 là tiền đề để Luật hóa trở thành “Ngày người cao tuổi Việt Nam 6-6” nhằm bổ sung một nội dung rất quan trọng được thể hiện trong Luật Người cao tuổi. Đó là sự khẳng định vai trò của lớp người cao tuổi trong xã hội phải được phát huy đúng mức, sự cống hiến đóng góp của người cao tuổi cho xã hội phải được ghi nhận và tiếp tục tạo điều kiện để phát huy. Đồng thời, Nhà nước phải tạo điều kiện để toàn xã hội quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho người cao tuổi như Điều 1, Luật Người cao tuổi quy định: “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…”.