Sớm khai thông giải tỏa công suất các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh

Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời chính thức đưa vào vận hành thương mại trong thời gian gần đây đã dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trở thành 1 trong 6 nhóm ngành trụ cột của tỉnh. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dự án hoàn thành, thì hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Giải tỏa công suất điện đang là “điểm nghẽn” cần sớm khai thông.

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên “độc đáo” để phát triển điện gió và điện mặt trời. Cơ hội càng trở nên rõ ràng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2023; trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Ngay sau đó, lĩnh vực này đã trở thành lưa chọn ưu tiên, nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Nhà máy điện mặt trời BIM 2 (Thuận Nam) chính thức hoà vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Văn Thanh

Từ định hướng đúng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có các dự án điện gió, điện mặt trời được quy hoạch, bổ sung quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng, một số nhà máy đi vào vận hành. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương khảo sát 19 dự án điện gió, với tổng công suất 1.261 MW, tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng; trong đó, 14 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, 5 dự án đang triển khai lập thủ tục đầu tư. Trong số 5 dự án đã khởi công, có 3 dự án (Đầm Nại, Mũi Dinh, Trung Nam giai đoạn 1) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, đóng góp sản lượng điện tăng thêm cho tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2019 trên 50 triệu kWh. Riêng dự án điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 52 dự án, tổng công suất hơn 3.354 MW; trong đó, có 31 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Hiện nay, có 5 dự án hoàn thành (Điện mặt trời BP Solar, Trung Nam giai đoạn 1, Bim 1, Bim 2, Bim 3) đưa vào vận hành thương mại, đóng góp sản lượng điện tăng thêm cho tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2019 là 17 triệu kWh, dự kiến đến cuối năm 2019 có thêm 11 dự án hoàn thành. Hiện nay, các dự án điện gió, điện mặt trời còn lại đang được các nhà đầu tư triển khai khẩn trương, tích cực theo đúng tiến độ, hoàn thành dự án đúng thời gian để được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TT ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 31 dự án điện mặt trời và 14 dự án điện gió với tổng công suất 2.737,5 MW, tuy nhiên theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việc Nam, hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh chỉ giải phóng được 777,35 MW, chưa đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất của các dự án đang triển khai. Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam - VASS, cho rằng: Để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời khi đi vào vận hành, thì cần phải nâng cấp đường dây 220kV và 500kV. Trước hết, nên khẩn trương triển khai Trạm 220kV Ninh Phước, đường dây 5 km đấu vào đường hiện hành Tháp Chàm - Vĩnh Tân đã có trong tổng sơ đồ hiệu chỉnh mới nhất và dự kiến thời gian vận hành vào năm 2025-2030. Bên cạnh đó, bổ sung thêm vào tổng sơ đồ Trạm 500kV Thuận Nam đấu vào đường dây Vân Phong - Vĩnh Tân hiện đang phục vụ cho Cụm nhiệt điện Vân Phong và sau này trên cơ sở đó làm thêm đường dây Thuận Nam - Chơn Thành phục vụ Trung tâm Điện lực Cà Ná quy mô 6.000 MW đang được thúc đẩy triển khai.

Nhằm giải tỏa công suất 2.000 MW điện, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan, đề nghị Trung ương hỗ trợ. Từ những động thái tích cực, ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1891/TTg-CN về việc bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục lưới điện truyền tải đấu nối các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, các công trình lưới điện đầu tư mới được bổ sung đều dự kiến triển khai sau năm 2020, do đó việc giải phóng công suất 2.000 MW điện đến hết năm 2020 đang gặp khó khăn do thời gian đầu tư hạ tầng truyền tải chưa đồng bộ.

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay: Trước thực trạng khó khăn, dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kêu gọi xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải; trong đó, các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời cùng góp vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình truyền tải cho kịp vận hành trước năm 2020 để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Tín hiệu đáng mừng là, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đã khởi công xây dựng Trạm biến áp 500 kV ở huyện Thuận Nam và đường dây đấu nối, với cam kết thời gian đóng điện vận hành trong năm 2020.